Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BXD ngày 03/3/2023 hướng dẫn một số nội dung về hợp đồng xây dựng. Theo đó, Thông tư này hướng dẫn chi tiết một số nội dung về hợp đồng xây dựng; công bố và hướng dẫn sử dụng mẫu hợp đồng thi công xây dựng, mẫu hợp đồng tư vấn xây dựng, mẫu hợp đồng thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng công trình.
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xác lập và quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng thuộc các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và hợp đồng xây dựng giữa doanh nghiệp dự án với các nhà thầu xây dựng thực hiện các gói thầu thuộc dự án dầu tư theo phương thức đối tác công tư. Các tổ chức, cá nhân tham khảo các quy định tại Thông tư này để xác lập và quản lý hợp đồng xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn.
Đối với hợp đồng xây dựng thuộc các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi phát sinh từ Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có những quy định khác với các quy định tại Thông tư này thì thực hiện theo các quy định của Điều ước quốc tế đó.
Thông tư quy định việc thanh toán, tạm thanh toán và hồ sơ tạm thanh toán hợp đồng xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 19, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP. Trường hợp sản xuất các cấu kiện, bán thành phẩm có giá trị lớn, vật liệu xây dựng phải dự trừ theo mùa được tạm ứng để thực hiện theo quy định tại khoản 7, Điều 18, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, hồ sơ tạm ứng phải liệt kê danh mục, đơn giá và tổng giá trị từng loại vật liệu, cấu kiện, bán thành phẩm. Khi thanh toán, phải giảm trừ giá trị khối lượng hoàn thành được nghiệm thu tương ứng với phần giá trị đã được tạm ứng theo nội dung hợp đồng.
Thực hiện việc tạm thanh toán theo quy định tại khoản 4, Điều 19, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP thì căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng lần tạm thanh toán để quyết định giá trị tạm thanh toán và biện pháp bảo đảm đối với các khoản tạm thanh toán, đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát vốn.
Đối với những sản phẩm, công việc, công tác chưa được hoàn thành do các nguyên nhân, trong đó bao gồm hợp đồng bị chấm dứt hoặc một trong các bên tham gia hợp đồng không nghiệm thu sản phẩm, phải xác định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của từng chủ thể có liên quan trước khi thực hiện thanh toán.
Hồ sơ tạm thanh toán bao gồm: Biên bản nghiệm thu khối lượng hoặc biên bản xác nhận khối lượng (nếu chưa đủ điều kiện để nghiệm thu), bảng tính giá trị thanh toán phát sinh (tăng hoặc giảm); bảng tính giá trị tạm thanh toán và đề nghị tạm thanh toán.
Thông tư quy định việc điều chỉnh khối lượng công việc trong hợp đồng xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 37, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13, Điều 1, Nghị định số 50/2021/NĐ-CP. Việc điều chỉnh khối lượng công việc giữa các thành viên trong liên danh nhà thầu không làm thay đổi giá hợp đồng xây dựng thì chủ đầu tư quyết định trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất của các thành viên liên danh và năng lực, kinh nghiệm của từng thành viên, đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả, tiến độ của hợp đồng.
Đồng thời, Thông tư quy định việc điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng xây dụng theo quy định tại Điều 39, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP. Khi điều chỉnh tiến độ hợp đồng xây dựng quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 39 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, bên giao thầu và bên nhận thầu có trách nhiệm đánh giá tác động của các sự kiện bất khả kháng đến tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng để xác định, quyết định điều chỉnh cho phù hợp. Trường hợp tạm dừng thực hiện công việc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 39 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định việc điều chỉnh đơn giá và giá hợp đồng xây dựng. Cụ thể, việc điều chỉnh đơn giá hợp đồng xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 38, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14, Điều 1, Nghị định số 50/2021/NĐ-CP. Khi điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung hợp đồng thì phải ký kết phụ lục hợp đồng làm cơ sở điều chỉnh giá hợp đồng. Chủ đầu tư có trách nhiệm phê duyệt hoặc trình phê duyệt dự toán điều chỉnh, phát sinh theo đúng các quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và hợp đồng xây dựng làm cơ sở ký kết phụ lục bổ sung hợp đồng.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 20/4/2023 và thay thế Thông tư số 07/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng, Thông tư số 08/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về hợp đồng tư vấn xây dựng, Thông tư số 09/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình và Thông tư số 30/2016/TT-BXD ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình./.