Công tác phòng, chống tham nhũng: Vẫn còn những giải pháp hình thức

Đọc tin
Đảng ta xác định, tham nhũng nguy hiểm như một thứ “giặc nội xâm”. Tham nhũng không chỉ làm thất thoát tài sản mà còn làm suy thoái hệ thống chính trị, xã hội mất lòng tin vào Đảng… Đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng.

Quy định chặt chẽ

Nhìn lại quá trình đấu tranh PCTN của Đảng và Nhà nước ta, có thể thấy Pháp lệnh Chống tham nhũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 1998 và được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2000 là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác đấu tranh chống tham nhũng. Với sự ra đời của Pháp lệnh Chống tham nhũng năm 1998 và các văn bản pháp luật khác, như: Bộ luật Hình sự; Pháp lệnh Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Pháp lệnh Cán bộ, công chức… cuộc đấu tranh PCTN ở nước ta bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định của Pháp lệnh Chống tham nhũng trong giai đoạn này đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, bất cập, chưa đáp ứng được các yêu cầu của quá trình hội nhập và phát triển.

Khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh Chống tham nhũng năm 1998, Luật PCTN được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29-11-2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2006 được coi là một liệu pháp mới cho cuộc đấu tranh PCTN. Với 48 điều trên tổng số 92 điều là các quy định về “phòng ngừa tham nhũng”, có thể nói tư tưởng phòng ngừa được thể hiện rất rõ nét trong Luật PCTN năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012).

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, quyết định, chỉ thị để cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Luật PCTN, Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 và Kế hoạch thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng… Trong đó, có các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức; tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công như: trụ sở, trang thiết bị và phương tiện làm việc; tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng; xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng; vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN; trả lương qua tài khoản đối với các đối tượng hưởng lương từ ngân sách; đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng…

Tinh thần chỉ đạo đấu tranh PCTN của cả hệ thống rất quyết liệt; hệ thống văn bản pháp luật tương đối đầy đủ và chặt chẽ; thế nhưng, đấu tranh PCTN của cả nước vẫn chưa đạt hiệu quả. Nếu căn cứ vào các báo cáo tổng kết 10 năm đấu tranh PCTN của các bộ, ngành, tỉnh, thành trong cả nước, chúng ta cơ bản không có tham nhũng! Riêng về kê khai tài sản, theo Thanh tra Chính phủ, tính đến ngày 31-5-2015, có 93 cơ quan, đơn vị gửi báo cáo kết quả minh bạch tài sản, thu nhập về cơ quan này, với hơn 995.000 người kê khai. Trong đó, khoảng 979.000 bản kê khai tài sản, thu nhập đã được công khai, đạt 98,4%. Tuy nhiên, trong tổng số 1.225 người thuộc diện phải xác minh, chỉ phát hiện và kết luận 4 người kê khai không trung thực.

Nhiều biện pháp còn hình thức

Đấu tranh PCTN không đạt hiệu quả như mong muốn có nhiều nguyên nhân. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến 2 giải pháp còn nặng tính hình thức, đó là: Công tác báo cáo PCTN và kê khai tài sản, thu nhập.

Thứ nhất, hệ thống báo cáo công tác PCTN của ta hiện nay rất chặt chẽ, quá đầy đủ. Theo quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chế độ thông tin, báo cáo công tác nội chính và PCTN kể từ năm 2013, trong 1 năm các đơn vị phải có 4 báo cáo định kỳ: quý I, 6 tháng, 9 tháng (mới đây thay báo cáo 9 tháng bằng báo cáo quý III) và báo cáo năm. Bên cạnh đó, còn có các báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất khi có vụ việc xảy ra.

Trước tiên là quy định các đơn vị không phân biệt loại hình, tần suất 4 báo cáo định kỳ/năm cũng chưa phù hợp. Nhiều cơ quan hành chính chẳng hạn như các Ban đảng, kinh phí hàng năm được cấp phát theo dự toán, chủ yếu là chi lương và chi thường xuyên. Mọi mua sắm tài sản có giá trị, sửa chữa lớn... đã có cơ quan khác lo, tiền mặt thì sử dụng rất hạn chế vì quỹ lương đã thực hiện bằng cách chuyển tài khoản. Thế nhưng, các ban này cũng phải đều đặn 3 tháng một lần báo cáo, vì thế mà báo cáo chủ yếu là làm cho có, để cơ quan theo dõi đánh dấu là đơn vị có làm báo cáo, chứ tác dụng thì không nhiều.

Thứ hai, kê khai tài sản hàng năm đối với cán bộ, công chức, Chính phủ có Nghị định số 78/2013 ngày 17-7-2013 quy định cụ thể các chức danh phải kê khai tài sản. Nghị định mở rộng đối tượng đến các phó trưởng phòng và kế toán, thủ quỹ của các cơ quan, đơn vị và quy định rõ các hình thức công khai tại cơ quan, đơn vị. Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng có hướng dẫn bổ sung, yêu cầu cấp ủy các cấp đến tận cơ sở phải công khai Bản kê khai tài sản của cấp ủy viên cấp mình trong chi bộ để đảng viên giám sát. Riêng các cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, hàng năm còn phải gửi bản kê khai tài sản cùng với bản bổ sung lý lịch về Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy để theo dõi quản lý.

Việc quy định đồng đều các chức danh phải kê khai đã làm nhiều trường hợp rất thừa. Ví dụ như ở các cơ quan hành chính không dính dáng gì đến xây dựng chính sách, quản lý đất đai, tiền bạc... thì một số lượng lớn các trưởng, phó phòng, kế toán, thủ quỹ kê khai tài sản để làm gì? Có cơ quan sau khi thực hiện kê khai tài sản, mới phát hiện thủ quỹ của đơn vị có mức thu nhập xấp xỉ mức... cận nghèo (!)

Từ chỗ hình thức trong quy định về báo cáo công tác PCTN của các đơn vị và kê khai tài sản, thu nhập... đã không những không giúp gì cho công tác PCTN mà còn dẫn đến lãng phí. Lãng phí nhìn thấy được là hàng năm có hàng vạn trang giấy làm báo cáo, kê khai tài sản nhưng vô tác dụng. Lãng phí vô hình là các cơ quan, đơn vị tốn không ít nhân lực, thời gian để hoàn thành các văn bản này.

Đôi điều suy nghĩ

Qua thực tiễn 10 năm triển khai thực hiện Luật PCTN, chúng tôi mong những người có trách nhiệm trong quá trình thực thi Luật PCTN nhìn thẳng vào thực tế, lắng nghe góp ý của dư luận xã hội để có những sửa đổi cần thiết.

Với báo cáo PCTN, nên có quy định riêng cho từng loại cơ quan, chú trọng tập trung vào các cơ quan quản lý nhân sự, quản lý đất đai, cấp phép đầu tư, quản lý tiền bạc... đặc biệt là chính các cơ quan trong khối nội chính. Đây là những cơ quan có cơ hội và điều kiện để tham nhũng, trục lợi. Với kê khai thu nhập, tài sản, chỉ nên giới hạn ở một số lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan trên, có thể mở rộng thêm một số cán bộ cấp phòng trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo giải quyết công việc. Đi cùng với kê khai là yêu cầu giải trình cụ thể.

Đấu tranh PCTN không phải là việc riêng của một quốc gia nào. Hy vọng trong thời gian tới, Đảng sẽ có sự nghiên cứu, loại bỏ những biện pháp hình thức để cuộc đấu tranh PCTN của ta thực sự hiệu quả.
 
TRẦN DUY
Báo Khánh Hòa
 
Đầu trang
 
Trở về
 
In bài viết
Danh mục
Chỉ đạo, điều hành
Thông tin tuyên truyền
Dự án, hạng mục đầu tư
THỐNG KÊ, BÁO CÁO
Dịch vụ công trực tuyến
Tin tức - Sự kiện
Thông tin hoạt động
Văn bản mới Chuyển đổi số
KỲ HỌP HĐND HUYỆN KHÁNH SƠN
VĂN BẢN QPPL
Tuyển dụng
Thông tin trợ giúp DN NVV
Tiếp cận thông tin
THÔNG TIN CÔNG KHAI
Cải cách hành chính
Góp ý dự thảo
MỘT CỬA, MỘT CỬA LIÊN THÔNG
Lịch tiếp công dân PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT QUY HOẠCH Thông báo
Chương trình, đề tài NCKH
Công khai ngân sách
Video
Album
Bản đồ
Bản đồ hành chính
Học tập tư tưởng đạo đức HCM
Cải cách hành chính
SK-CCHC
Xuc tien dau tư
CCHC