Về thăm Xóm Cỏ hôm nay

Đọc tin
Những ngày này, về căn cứ cách mạng Xóm Cỏ (xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa), chứng kiến sự chuyển mình trên vùng đất anh hùng, chúng tôi càng thấy trân trọng hơn những cống hiến, hy sinh của các thế hệ ông cha trong kháng chiến…

Xóm Cỏ kiên trung

Về thôn Liên Hòa (xã Sơn Bình), chúng tôi gặp ông Bo Bo Nha - người từng tham gia hoạt động cách mạng ở khu vực Xóm Cỏ năm xưa. Trong ngôi nhà đơn sơ, chúng tôi ấn tượng khi thấy hai tấm ảnh chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ông trân trọng đặt trên bàn thờ. Như hiểu điều chúng tôi định hỏi, ông Nha tâm sự: “Người dân mình có được cuộc sống ấm no, thanh bình như hôm nay là nhờ ơn của những bậc hiền nhân như Bác Hồ, Bác Giáp. Dù cây rừng có hết, nước suối có cạn thì tình cảm đó của đồng bào mình sẽ không bao giờ phai nhạt...”.

Một góc xã Sơn Bình hôm nay


Ông Nha tham gia cách mạng từ tháng 6-1952, khi ấy mới tròn 15 tuổi. Khoảng 2 tháng sau, trong một lần đi rừng, ông tình cờ gặp một toán lính Pháp nằm ngủ ở ngay suối Cra Nóa. Đoán rằng đám lính này lên đây để tìm lực lượng cách mạng, ông liền giả vờ đi câu cá để nắm bắt tình hình, rồi bí mật quay về căn cứ Xóm Cỏ báo cáo cho lực lượng cách mạng đang hoạt động ở đây biết. Nhờ đó, các lực lượng của ta đã kịp thời rút vào nơi an toàn. “Ngày đó, chúng tôi tích cực đi vận động người dân trong khu vực đóng góp lương thực ủng hộ cách mạng. Thanh niên và cán bộ cơ sở người dân tộc thiểu số được dạy học văn hóa nên có nhiều người biết đọc, biết viết”, ông Nha nhớ lại. Thời bấy giờ, việc học văn hóa cũng phải luôn đặt trong tình trạng bí mật. Tài liệu học chữ được viết ra từng miếng giấy nhỏ, người học tìm chỗ vắng hoặc chờ đến tối mới mở ra học. Làm như vậy để tránh tai mắt của bọn Việt gian, không để chúng tra khảo chỗ ở của lực lượng cách mạng. Lúc đó, không chỉ có người Raglai học chữ quốc ngữ, mà cán bộ người Kinh cũng tích cực học tiếng Raglai để đi vận động đồng bào tham gia kháng chiến, bảo vệ buôn làng. “Khi ấy, người dân có đói thì đào củ rừng ăn chứ không đụng đến gạo ủng hộ cho cách mạng. Nhiều gia đình bán cả những vật dụng quý giá như: mã la, mâm đồng, trâu bò... để giúp cách mạng”, ông Nha kể. Những người như các ông Ty Dú, Gia Cao, Mấu Tập, bà Ma Huê... vẫn mãi được người dân Khánh Sơn nhắc đến.

Chúng tôi đã tìm hiểu, ráp nối nhiều dữ liệu lịch sử khác nhau, từ đó, bức tranh Xóm Cỏ trong những ngày kháng chiến dần hiện ra. Vào tháng 3-1959, Liên Tỉnh ủy 3 có chủ trương thành lập khu Ái - Vĩnh - Sơn (gồm 3 huyện Bắc Ái, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn) nhằm xây dựng một căn cứ địa hoàn chỉnh, đảm bảo hành lang chiến lược và bàn đạp vững chắc cho phong trào ở đồng bằng. Khu Ái - Vĩnh - Sơn có Ban cán sự trực thuộc Liên Tỉnh ủy, do đồng chí Lê Tụng làm Bí thư, đồng chí Mai Xuân Thưởng làm Ủy viên Thường trực, đồng chí Hà Huy An và Phạm Thành Huyên làm Ủy viên, đồng chí Nguyễn Hồng Hải làm Chánh Văn phòng. Cơ quan Ban cán sự đóng tại khu vực Suối Sóc thuộc căn cứ cách mạng Xóm Cỏ. Đặc biệt, tháng 8-1959, tại Xóm Cỏ, Tỉnh ủy Khánh Hòa họp mở rộng để quán triệt và bàn biện pháp vận dụng Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II về xác định đường lối đấu tranh và phương pháp cách mạng ở miền Nam Việt Nam trong giai đoạn mới, từ đó đã mở ra phong trào đồng khởi phá các khu tập trung, phát động chiến tranh nhân dân, bảo vệ căn cứ địa cách mạng trên địa bàn toàn tỉnh. Cuối tháng 12-1960, Đại hội dân tộc khu Ái - Vĩnh - Sơn đã diễn ra tại Xóm Cỏ. Đại hội đã nêu cao nhiệm vụ đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân... Tháng 8-1961, Tỉnh ủy đã họp tại Xóm Cỏ bàn về việc đẩy mạnh công tác mở phong trào đồng bằng và ra sức xây dựng miền núi, nhất là xây dựng địa bàn Khánh Sơn thành căn cứ địa cách mạng vững chắc.

Đoàn viên, Thanh niên xã đang dọn vệ sinh khu vực bia di tích cách mạng Xóm Cỏ

Trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, quân và dân Xóm Cỏ cũng để lại những trang sử oai hùng. Đó là trận đánh địch mở cuộc càn quét lớn lên Xóm Cỏ vào tháng 12-1961, đồng chí Pinăng Tắc đã lãnh đạo nhân dân, du kích chống càn. Với phương châm dựa vào làng để chiến đấu, du kích ở Xóm Cỏ đã gây cho địch thiệt hại nặng nề về người và vũ khí. Với thành tích trên, đồng chí Pinăng Tắc được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (ông là người Raglai đầu tiên được nhận danh hiệu cao quý này). Hay như trận càn có tên gọi “Thiềm đầu thủy” vào tháng 6-1963, địch dùng pháo bắn suốt ngày đêm vào khu vực Xóm Cỏ. Nhưng với kinh nghiệm qua nhiều lần chống càn trước đây, bộ đội và du kích ở Xóm Cỏ đã chủ động bao vây những nơi địch đóng quân. Một đại đội địch khi hành quân tới Xóm Cỏ đã bị du kích và bộ đội địa phương chặn đánh, tiêu diệt một tiểu đội.

Vùng cao đổi mới

Những ngày này, cả nước hân hoan chào đón ngày Quốc khánh lần thứ 70. Trong ánh nắng thu dịu nhẹ, những vườn sầu riêng, chôm chôm, cà phê, hồ tiêu ở xã Sơn Bình càng xanh mát hơn. Chúng tôi thấy từ trung tâm xã đến các thôn, làng xa xôi đều đã có đường bê tông cho ô tô chạy đến tận nơi. Những ngôi trường mái ngói đỏ tươi đang rộn tiếng nói cười của học sinh chuẩn bị bước vào năm học mới. Những ngôi nhà xây kiên cố đã thay thế nhà tranh tre. Hệ thống điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt hợp vệ sinh đã về đến tận các gia đình... Từ nhiều năm qua, Sơn Bình là địa phương điển hình với nhiều mô hình trang trại quy mô lớn, mang lại thu nhập cao cho người dân. Nhìn diện mạo đổi thay của quê hương hôm nay, những người như ông Nha vui hẳn lên: “Hiện nay, cuộc sống của người dân đã được nâng cao hơn nhiều. Đồng bào không còn cảnh đói cơm thiếu áo như trước kia. Trẻ em đến tuổi đi học được cắp sách đến trường, người già ốm đau được quan tâm thuốc men chạy chữa. Quê hương phát triển như thế này cũng đã phần nào toại nguyện tâm ý của những người đi trước...”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Liên - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết, do đặc thù của một huyện miền núi nên sản xuất nông nghiệp vẫn được chú trọng hàng đầu. Hàng năm, tổng diện tích gieo trồng toàn xã khoảng 454,3ha, trong đó diện tích cây ăn quả chiếm khoảng 224ha. Trong sản xuất nông nghiệp, địa phương đặc biệt ưu tiên những loại cây có giá trị kinh tế cao; khuyến khích người dân tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới cho năng suất, sản lượng cao vào sản xuất.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Sơn Bình được chọn làm điểm của huyện Khánh Sơn. Đến nay, xã đã đạt 9/19 tiêu chí nông thôn mới, là địa phương đạt nhiều tiêu chí nhất trong toàn huyện. Hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 6,6%, hộ cận nghèo 16,4% trong tổng số 762 hộ. Trong sự nghiệp giáo dục, xã có 100% trường và điểm trường được ngói hóa, dụng cụ học tập, trang thiết bị phục vụ học tập đầy đủ, đội ngũ giáo viên được đào tạo chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ. Hàng năm, tỷ lệ học sinh ra lớp đạt hơn 99%; địa phương đã duy trì được kết quả phổ cập giáo dục đúng độ tuổi. Xã đang phấn đấu đến năm 2017 sẽ đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Để làm được điều đó, theo ông Cao Liên, Sơn Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng có năng suất cao phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương; ưu tiên tạo điều kiện cho các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở địa phương phát triển bền vững, đúng hướng; tập trung các nguồn vốn xây dựng mới những công trình trọng điểm, nhất là việc phát triển công trình giao thông nông thôn, thủy lợi.

Nói về vùng đất Xóm Cỏ anh hùng năm xưa và diện mạo của xã Sơn Bình hôm nay, ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn đánh giá: “Căn cứ Xóm Cỏ là nơi đã từng che chở cho cán bộ cách mạng và lực lượng vũ trang trong các cuộc kháng chiến. Từ nơi đây đã xuất hiện những người con ưu tú để đưa phong trào cách mạng địa phương đi lên, góp phần vào thắng lợi chung của toàn dân tộc. Tiếp nối truyền thống vẻ vang đó, các thế hệ người dân xã Sơn Bình hôm nay đã không ngừng nỗ lực để xây dựng quê hương giàu đẹp. Với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tôi tin xã Sơn Bình sẽ tiếp tục có sự phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”.

Dưới thời Pháp thuộc, căn cứ cách mạng Xóm Cỏ nằm ở vùng đất Pajrai thuộc tổng Ma Rai với các làng: Xóm Cỏ, Cra Nóa, Đá Đứng, Cà Giàng - tiền thân của xã Sơn Bình ngày nay. Trong đó, làng Xóm Cỏ là nơi đứng chân của nhiều cơ quan lớn thuộc Tỉnh ủy Khánh Hòa và các đơn vị lực lượng vũ trang như: Tiểu đoàn 120, Đại đội 254 và cơ quan chỉ đạo của Khu VI trong những năm 1959 đến 1963. Có lẽ vì thế mà địa danh Xóm Cỏ được sử dụng để gọi cho cả vùng căn cứ cách mạng rộng lớn này. Trải qua 2 cuộc kháng chiến, khu vực Xóm Cỏ cùng với Ba Cụm và Tô Hạp tạo nên thế chân kiềng vững chắc bảo vệ căn cứ địa cách mạng Tô Hạp.

Nhân Tâm - Thanh Long
 
 
Đầu trang
 
Trở về
 
In bài viết
Danh mục
Chỉ đạo, điều hành
Thông tin tuyên truyền
Dự án, hạng mục đầu tư
THỐNG KÊ, BÁO CÁO
Dịch vụ công trực tuyến
Tin tức - Sự kiện
Thông tin hoạt động
Văn bản mới Chuyển đổi số
KỲ HỌP HĐND HUYỆN KHÁNH SƠN
VĂN BẢN QPPL Thông tin trợ giúp DN NVV
Tiếp cận thông tin
Tuyển dụng
THÔNG TIN CÔNG KHAI
Cải cách hành chính
Chương trình, đề tài NCKH
Công khai ngân sách
Góp ý dự thảo
MỘT CỬA, MỘT CỬA LIÊN THÔNG
Lịch tiếp công dân PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT QUY HOẠCH Tài liệu Tiếp xúc cử tri Thông báo
Video
Album
Bản đồ
Bản đồ hành chính
Học tập tư tưởng đạo đức HCM
Cải cách hành chính
SK-CCHC
Xuc tien dau tư
CCHC