Huyện Khánh Sơn là huyện miền núi, nằm về hướng tây nam của tỉnh Khánh Hòa, cách trung tâm tỉnh lỵ hơn 100km, có diện tích tự nhiên là 33.852,75 ha; dân số toàn huyện là 24.569 người, gồm các dân tộc Kinh, Raglai và các dân tộc khác cùng sinh sống. Người theo đạo chiếm 23% dân số của huyện với 03 tôn giáo chính đó là Phật giáo, Công giáo và Tin Lành. Từ năm 2017 đến nay trên địa bàn huyện Khánh Sơn đã có 02 cơ sở thờ tự của Phật giáo và Công giáo. Trong những năm qua, các ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện Khánh Sơn đã có sự phối hợp tích cực thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về dân tộc miền núi và chính sách về tôn giáo, tín ngưỡng trong đó công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín đã được các cấp uỷ, chính quyền huyện Khánh Sơn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.
Chính vì vậy, vị trí vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đồng bào có đạo không ngừng được phát huy trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ đó làm cho đồng bào có đạo, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện yên tâm, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Nhà nước, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Huyện Khánh Sơn hiện có 03 tôn giáo sinh hoạt chính gồm: Công giáo, Phật giáo, Tin Lành với 5.657 tín đồ. Sinh hoạt tôn giáo trên địa bàn huyện ngày càng đi vào nề nếp, tuân thủ pháp luật, hài hòa giữa việc đời việc đạo. Giữa các tổ chức tôn giáo với chính quyền các cấp luôn duy trì tốt mối quan hệ. Toàn huyện hiện có 29 người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, huyện Khánh Sơn rất quan tâm, chú trọng phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào các DTTS, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho người có uy tín trên địa bàn huyện về đường lối quan điểm, chủ trương của Đảng của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định 162/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo; tuyên truyền, vận động đấu tranh, ngăn ngừa hoạt động của các tổ chức bất hợp pháp lợi dụng tôn giáo để trục lợi… Người có uy tín là người có đóng góp tích cực đối với cộng đồng; là người am hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán, tiếng nói của dân tộc ở nơi cư trú; có cách ứng xử, giải quyết tốt mối quan hệ trong gia đình, cộng đồng; là người tiêu biểu, có mối liên hệ chặt chẽ, có khả năng tập hợp đồng bào dân tộc, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo, thuyết phục thấu tình, đạt lý, hòa giải kịp thời nhiều vụ việc trong cộng đồng như: mâu thuẫn gia đình, hoạt động tôn giáo trái pháp luật...không để xảy ra “điểm nóng” góp phần ổn định an ninh chính trị trên địa bàn. Có vai trò rất quan trọng là cầu nối giữa đồng bào DTTS với ban, ngành đoàn thể là cơ sở để thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc, là kênh thông tin quan trọng góp phần tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, tuyên truyền vận động đồng bào nêu cao tinh thần cảnh giác, chống lại âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, cung cấp những thông tin có giá trị giúp cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nắm bắt được tình hình dân tộc nơi cư trú, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS đặc biệt là đồng bào DTTS có đạo.
Các cấp ủy, chính quyền và các ngành đoàn thể tại huyện Khánh Sơn luôn quan tâm và coi trọng vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Đội ngũ người có uy tín đã phát huy vai trò là “cầu nối” giữa nhân dân với Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp, góp phần xây dựng quê hương và nâng cáo hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.