Hiện nay sầu riêng trên địa bàn Huyện Khánh Sơn đang bước vào giai đoạn Nuôi trái.Sâu đục trái sầu riêng đã bắt đầu xuất hiện và gây hại ở nhiều vườn trên toàn Huyện. Sau đây là đặc điểm hình thái, cách gây hại và biện pháp quản lý sâu đục trái trên cây sầu riêng:
- Đặc điểm hình thái:
Thành trùng sâu đục trái: con trưởng thành của loài sâu này có kích thước nhỏ, chiều dài sải cánh 14 – 20 mm, chiều dài thân 6 mm, màu nâu. Toàn thân và cánh màu vàng, trên cánh có nhiêu chấm đen. Thành trùng hoạt động chủ yếu vào ban đêm
Ấu trùng sâu đục trái: Chiều dài khoảng 10 -22mm, sâu non có màu hồng hoặc màu hồng tím, đầu nhỏ màu nâu đen, thân màu trắng ửng hồng. Mỗi đốt sống lưng có 4 đốm nâu nhạt, 2 đốm trên to, hai đốm dưới dài và hẹp, trên mỗi đốm đều có lông cứng nhỏ, mỗi con có một đốm nhỏ màu nâu ở hai bên hông cơ thể, lỗ thở màu đen.
Nhộng: Lúc đầu có màu vàng hơi nâu, dần dần chuyển sang màu nâu khi sắp vũ hóa, dài khoảng 13 – 15mm, chiều ngang 4 – 5mm.
Trứng: có hình bầu dục, dài khoảng 2 – 2,5mm. Trứng mới đẻ có màu trắng sữa sau đó trở nên vàng nhạt.
- Cách gây hại:
Trứng đẻ rải rác trên các quả non. Sâu non khi nở bò rất nhanh và đục ngay vào quả. Sâu gây hại từ khi quả còn non đến trưởng thành, đặc biệt gây hại nặng trên các chùm quả hơn là các quả đơn độc, quả non bị hại sẽ biến dạng và rụng, quả lớn bị hại sẽ làm ảnh hưởng đến giá trị thương phẩm và còn tạo điều kiện cho các loại nấm bệnh tấn công theo vết đục làm thối quả.
- Biện pháp quản lý:
+ Trong tự nhiên, có nhiều loài thiên địch tiêu diệt sâu đục quả nhử: Kiến sư tử, chim chích bông tấn công sâu non khi ở bên ngoài vỏ quả; bọ ngựa và nhiều loài nhện có khả năng bắt và ăn thịt bướm sâu đục quả, nấm xanh, nấm trắng gây bệnh cho sâu,…
+ Thăm vườn thường xuyên phát hiện sớm sâu hại.
+ Thu gom và tiêu hủy những quả bị sâu hại. Tỉa cành, tạo tán tạo độ thông thoáng cho vườn, tỉa bỏ bớt những quả kém phát triển trong chùm quả, để số lượng quả hợp lý trên cây.
+ Trong chùm quả chưa nhiễm nên sử dụng đoạn gỗ nhỏ để chêm giữa các quả hạn chế sự gây hại.
+ Sử dụng bẫy đèn để thu hút và tiêu diệt thành trùng.
+ Khi cần thiết có thể sử dụng thuốc hóa học ở những vùng thường xuyên bị nhiễm nặng, sử dụng thuốc hóa học phun ngừa giai đoạn ra hoa và quả. Khi phát hiện phun thuốc khi sâu chưa đục sâu vào bên trong quả sẽ đạt hiệu quả cao.Cần lưu ý áp lực sâu cao nhất vào giai đoạn quả 1 tháng tuổi đến 2 tháng tuổi. Có thể sử dụng các loại thuốc có hoạt chất như Bacillus thuringiensis, Spinosad, Chlorantraniliprole, Pyripoxyfen,… theo khuyến cáo trên bao bì.
Lưu ý: Cần phun thuốc trừ sâu thật kỹ và ướt thật đều quả vào giai đoạn vừa nêu trên để đạt hiệu quả phòng trị cao. Đảm bảo thời gian cách ly khi phun thuốc để tránh dư lượng thuốc tồn dư trong quả gây ngộ độc cho người tiêu dùng.
NTNHUNG – Trạm TT &BVTV KS