Sáng ngày 24/01/2024, tại Hội trường, UBND huyện tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và trao Giấy Chứng nhận cho các sản phẩm được công nhận OCOP năm 2023.
Ông Nguyễn Quốc Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện, chủ trì hội nghị; Tham dự Hội nghị có đại diện Thường trực Huyện ủy, Thường trực UBMTTQVN huyện; Thành viên Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP huyện; Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài chính – Kế hoạch, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Huyện đoàn; lãnh đạo UBND và cán bộ phụ trách chương trình OCOP các xã, thị trấn và các chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP năm 2023.
Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Nông nghiệp & PTNT, Tổ giúp việc Hội đồng cấp tỉnh; sự chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy, HĐND, năm 2023, UBND huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, của huyện về Chương trình mỗi xã một sản phẩm tới các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã và Nhân dân trên địa bàn với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của toàn thể nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình OCOP. Trong quá trình triển khai thực hiện, UBND các xã, thị trấn đã tích cực hỗ trợ, phối hợp với các chủ thể hoàn thành tốt các bước trong việc đánh giá, phân hạng sản phẩm.
Năm 2023, huyện có 10 sản phẩm của 09 chủ thể đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng cơ bản đảm bảo các điều kiện theo quy định về hồ sơ tham gia, mẫu sản phẩm tham gia. Trong đó có 01 sản phẩm thuộc nhóm chế biến từ rau, củ, quả, hạt được UBND tỉnh công nhận và xếp hạng đạt 04 sao; 08 sản phẩm được UBND huyện đánh giá và xếp hạng 03 sao (03 sản phẩm nhóm rau, củ quả, hạt tươi; 02 sản phẩm nhóm chế biến từ rau, củ, quả, hạt; 01 sản phẩm nhóm gạo, ngũ cốc, hạt sơ chế khác; 01 sản phẩm nhóm cà phê, ca cao và 01 sản phẩm nhóm đồ uống có cồn khác).
Tại Hội nghị, đại diện các chủ thể sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện và địa phương đã tham luận ghi nhận, đánh giá cao sự phối hợp, hỗ trợ của các đơn vị chủ quản trong việc hỗ trợ các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện nâng hạng các sản phẩm OCOP; hiệu quả kinh tế - xã hội sau khi được công nhận sản phẩm OCOP và đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình OCOP. Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng dịch vụ phân phối, tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn thủ tục hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ, và phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp của các chủ thể, các xã, thị trấn, các bên liên quan tham gia vào hoạt động quản lý và phát triển nhãn hiệu cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP.
Tại Hội nghị, Ông Nguyễn Quốc Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện đã trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2023 cho 8 chủ thể với 8 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao và 01 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Quốc Đông – Phó Chủ tịch UBND huyện đã chúc mừng các chủ thể với các sản phẩm được đánh giá và công nhận. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; triển khai đồng bộ, huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình OCOP góp phần nâng cao chất lượng, số lượng các sản phẩm đặc sản, lợi thế, đặc trưng của địa phương trở thành sản phẩm OCOP, trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Đông đề nghị các chủ thể tham gia Chương trình OCOP cần tiếp tục tập trung hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để sản phẩm phát triển bền vững, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và có thương hiệu trên thị trường đặc biệt là quan tâm tới vùng nguyên liệu. Đối với các phòng, đơn vị trực thuộc UBND huyện cần tổ chức rà soát các sản phẩm được công nhận, đối với những sản phẩm hết thời hạn (sau 3 năm kể từ ngày có Quyết định công nhận) đề nghị các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận lại theo đúng quy định. Thông tin để các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại làm cầu nối kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP. Lồng ghép thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nghiên cứu, tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch năm 2024 trên cơ sở cụ thể, rõ ràng trách nhiệm cao hơn; Thường xuyên hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, công nhận; đồng thời nghiên cứu, đề xuất có cơ chế hỗ trợ phù hợp, đúng quy định cho các chủ thể khi tham gia chương trình. Đối với UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, động viên, hướng dẫn, nhắc nhở các chủ thể duy trì sản phẩm, sử dụng nhãn mác đã được công nhận và tham mưu thu hồi giấy chứng nhận đối với các sản phẩm OCOP không đáp ứng các điều kiện theo quy định và đã hết hạn. Tiếp tục rà soát thực trạng phát triển ngành nghề tại địa phương, có định hướng và giải pháp cụ thể để gắn phát triển ngành nghề với triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn. Tuyên truyền cho các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX, người dân về ý nghĩa, các chính sách hỗ trợ của Chương trình OCOP, tích cực hỗ trợ, tư vấn cho các chủ thể chuẩn bị hồ sơ, tài liệu tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Rà soát, khuyến khích, hỗ trợ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký ý tưởng, chuẩn bị hồ sơ sản phẩm. Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hóa để triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn./.