25/07/2023 11:01
Lượt xem:
14605
Sáng ngày 20/7/2023, UBND huyện Khánh Sơn đã tổ chức Khai giảng lớp bồi dưỡng, truyền dạy sử dụng nhạc cụ Đàn đá Khánh Sơn cho 56 học viên trên địa bàn huyện là đồng bào dân tộc thiểu số; cán bộ, công chức làm công tác văn hóa, thể thao, du lịch; giáo viên bộ môn âm nhạc các trường học; các em học sinh có năng khiếu về văn hóa, văn nghệ; thành viên đội văn nghệ của xã, các em thanh thiếu niên trên địa bàn huyện. Lớp học sẽ được diễn ra từ ngày 20/7 đến 20/8, các học viên sẽ được truyền dạy những kiến thức cơ bản nhằm khơi dậy niềm đam mê nhạc cụ truyền thống của đồng bào Raglai, biểu diễn phục vụ trong phong trào văn nghệ quần chúng cũng như lễ hội tín ngưỡng trong cộng đồng, đưa Đàn đá Khánh Sơn - loại nhạc cụ cổ của người Raglai phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống của dân tộc mình. Lớp học là hoạt động nằm trong Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện Khánh Sơn giai đoạn 2021-2025; đồng thời thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 13/9/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Trong năm 2022 huyện Khánh Sơn đã hoàn thành việc phục dựng 10 bộ đàn đá và tổ chức lớp bồi dưỡng, truyền dạy sử dụng nhạc cụ Đàn đá cho 32 học viên trên địa bàn huyện nhằm thực hiện công tác bảo tồn và tích cực sử dụng các bộ đàn đá trong những dịp sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa đang lưu giữ 2 bộ đàn đá đầu tiên của Khánh Sơn, trong thời gian tới sẽ hoàn thiện thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Việc phục dựng một biểu tượng văn hóa của đồng bào Raglai Khánh Sơn đã mai một nhiều đã khó, việc gìn giữ và phát huy trong thời điểm hiện nay càng khó hơn. Do đó, tổ chức các khóa bồi dưỡng, truyền dạy sử dụng nhạc cụ đàn đá cho thế hệ trẻ cần được thực hiện thường xuyên, liên tục tại các địa phương và trong nhà trường. Khôi phục giá trị đàn đá Khánh Sơn là việc làm có ý nghĩa đối với đời sống văn hóa của đồng bào Raglai không chỉ hôm nay mà còn gìn giữ cho mai sau. Hy vọng rằng, những tiếng đàn đá lại ngân vang khắp núi rừng Khánh Sơn và gắn kết tâm tình người Raglai với bạn bè gần xa, trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút du khách đến với mảnh đất Khánh Sơn thân thiện và mến khách./.