Ngày 31/10/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 15/2022/TT-BTTTT về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Quyết định 37/2021/QĐ-TTg ngày 18/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước.
Thông tư này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Quyết định số 37/2021/QĐ-TTg ngày 18 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về Mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước gồm: dịch vụ; chất lượng dịch vụ; an toàn, an ninh trong cung cấp dịch vụ; kết nối mạng; kiểm tra, giám sát; lưu trữ, báo cáo và tổ chức thực hiện việc cung cấp dịch vụ bưu chính KT1.
Thông tư này áp dụng đối với Cục Bưu điện Trung ương; Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động của Mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước (sau đây gọi là Mạng bưu chính KT1).
Cụ thể, dich vụ Mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước được cung cấp liên tục 24 giờ trong một ngày và 07 ngày trong một tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, Tết. Bưu gửi được phát tối thiểu 02 lần/ngày, riêng cấp xã tối thiểu 01 lần/ngày; ở vùng có điều kiện địa lý đặc biệt tần suất phát tối thiểu 03 lần/ngày.
Bên cạnh đó, 100% bưu gửi được phát đến địa chỉ nhận trong tình trạng không bị suy suyển, hư hỏng làm ảnh hưởng đến nội dung bưu gửi, trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng theo quy định của pháp luật. Cơ sở khai thác dịch vụ Mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước phải có thiết bị để giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ; bưu gửi tuyệt mật được tổ chức phát đi bằng phương tiện ô tô ngay sau khi chấp nhận và khai thác.
Cục Bưu điện Trung ương và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phải thực hiện việc kết nối mạng và cung cấp dịch vụ bưu chính KT1 đáp ứng các yêu cầu bảo đảm bí mật nhà nước; an toàn, an ninh; thống nhất trong tổ chức quản lý, vận hành, khai thác; tuân thủ quy định về trang thiết bị, phương tiện vận chuyển chuyên dùng; quy định nghiệp vụ và tiêu chuẩn người lao động tham gia trực tiếp vào quá trình cung cấp dịch vụ.
Hàng năm, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Bưu điện Trung ương) thực hiện kiểm tra, giám sát theo kế hoạch hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính KT1 trên toàn mạng lưới; Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính KT1 thông qua mạng bưu chính công cộng tại địa phương; đồng thời, kiểm tra đột xuất hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính KT1 thông qua mạng bưu chính công cộng trên địa bàn khi cần thiết.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định việc lưu trữ tài liệu. Tài liệu bản giấy về bưu gửi KT1 là các tài liệu được tạo lập ở dạng văn bản hình thành trong quá trình cung cấp dịch vụ bưu chính KT1; Tài liệu điện tử về bưu gửi KT1 là tài liệu được tạo lập ở dạng thông điệp dữ liệu hình thành trong quá trình cung cấp dịch vụ bưu chính KT1. Tài liệu lưu trữ điện tử được bảo quản và sử dụng theo phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ riêng biệt. Thời hạn lưu trữ tối thiểu là 02 (hai) năm đối với tài liệu bản giấy, 05 (năm) năm đối với tài liệu điện tử kể từ ngày bưu gửi KT1 được chấp nhận.
Bên cạnh đó, Thông tư quy định trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bao gồm: Kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính KT1 trên địa bàn và báo cáo kết quả với Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Bưu điện Trung ương); Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện trách nhiệm quản lý hoạt động cung cấp và sử dụng dịch vụ bưu chính KT1 trên địa bàn theo quy định của pháp luật về bưu chính và quy định của pháp luật liên quan…
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2023.