Ngày 22/11/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 71/2022/TT-BTC về việc quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện các Chương trình. Thông tư gồm 8 điều, quy định về: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; nguồn kinh phí thực hiện; lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước; nội dung và mức chi chung của các Chương trình; nội dung và mức chi Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025; nội dung và mức chi Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030
Mục đích ban hành: Thông tư nhằm triển khai đồng bộ Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 02/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Nội dung Thông tư: quy định chi tiết về nguồn kinh phí thực hiện; lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách; nội dung và định mức chi của các chương trình, cụ thể:
- Đối với ngân sách trung ương: bố trí kinh phí cho các bộ, cơ quan trung ương và bổ sung có mục tiêu cho các địa phương để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện.
- Đối với Ngân sách địa phương chủ động bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình do địa phương chủ trì triển khai thực hiện và các nhiệm vụ được ngân sách trung ương hỗ trợ theo quy định.
- Đối với Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030 được thực hiện như sau:
+ Giai đoạn 2021 - 2025 bố trí chung trong kinh phí thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025.
+ Giai đoạn 2026 - 2030 bố trí theo quy định về phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ
- Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước thực hiện chương trình được thực hiện theo quy định của pháp luật ngân sách, kế toán và các văn bản hướng dẫn; hạch toán theo mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
- Nội dung và mức chi chung của các Chương trình bao gồm:
+ Chi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (tổ chức lớp đào tạo; biên soạn tài liệu hướng dẫn, bồi dưỡng; tổ chức các cuộc thi, hoạt động chuyên môn chuyên ngành đánh giá chất lượng nguồn nhân lực)
+ Chi tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, kiểm tra, đánh giá thực hiện Chương trình
+ Chi tổ chức hội nghị, hội thảo trong nước có tính chất quốc tế, đón tiếp các đoàn khách nước ngoài đến Việt Nam
+ Chi các đoàn tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế, học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về di sản văn hóa ở nước ngoài
+ Chi cho hoạt động của các Hội đồng chuyên môn trong lĩnh vực di sản văn hóa được thành lập theo quyết định của cấp có thẩm quyền để tư vấn, thẩm định, cho ý kiến chuyên môn hoặc làm cơ sở xác định các nhiệm vụ triển khai, nghiệm thu các nhiệm vụ thuộc Chương trình
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 01 năm 2023.