Huyện Khánh Sơn là huyện miền núi, có tổng diện tích tự nhiên là 33.852,76 ha, có 08 đơn vị hành chính gồm: 07 xã và 01 thị trấn; có vị trí địa lí nằm về phía Tây Nam của tỉnh Khánh Hoà. Có độ cao trung bình khoảng 600m so với mặt nước biển; tổng dân số của huyện khoảng 25000 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số Raglai chiếm khoảng 75% số dân toàn huyện. Trong thời gian qua, kinh tế - xã hội của huyện đã có bước tăng trưởng, phát triển đáng phấn khởi. Bình quân tốc độ phát triển kinh tế hàng năm khoảng 7- 9% cơ cấu kinh tế được xác định theo hướng nông, lâm nghiệp - công nghiệp và thương mại, dịch vụ.
Luật Khoáng sản năm 2010 đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, đại biểu Quốc hội khóa XII, là một dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản. Nhằm thể chế hoá các chủ trương kinh tế hóa ngành địa chất khoáng sản, hạn chế cơ chế xin – cho, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Việc ban hành Nghị định trên là căn cứ pháp lý quan trọng để cơ quan có thẩm quyền, tổ chức cá nhân khai thác khoáng sản thực hiên công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Theo kết quả khảo sát điều tra quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản Khánh Hòa, huyện Khánh Sơn thuộc phân vùng triển vọng , có tiềm năng tự nhiên khá lớn về các loại khoáng sản VLXD. Tuy nhiên, thực trạng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Khánh Sơn không nhiều, chủ yếu là vật liệu xây dựng thông thường như: Cát xây dựng, đất san lấp, đá chẻ và đá xây dựng các loại có chất lượng tương đối tốt, trữ lượng ít, nhưng phân bổ phân tán nhiều nơi.
Trong 05 năm qua, UBND huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức 10 lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật mới về khoáng sản cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện, có hơn 400 lượt người tham dự. Đồng thời, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức các hội nghị tập huấn cho lãnh đạo, công chức địa chính cấp xã và các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện về công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản, hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Thông qua các buổi tập huấn, tuyên truyền nhằm truyền tải đến các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn huyện về ý thức, trách nhiệm trong việc khai thác đúng quy định và bảo vệ môi trường, sạt lở đất đai, đấu giá quyền khai thác khoáng sản... đảm bảo ổn định đời sống, an ninh, trật tự trên địa bàn huyện.
Đồng thời, nhằm quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu các tác động đến môi trường. Đồng thời phát huy tiềm năng khoáng sản, thu hút đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý khai thác cát, sỏi đến các tổ chức, hộ gia đình và nhân dân trên địa bàn các xã, thị trấn quản lý và tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ khoáng sản.
Cho đến nay, trên địa bàn huyện Khánh Sơn có 02 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản: Doanh nghiệp tư nhân Phương Đài và Doanh nghiệp tư nhân Phúc Nghĩa. Đến cuối năm 2018, Doanh nghiệp tư nhân Phúc Nghĩa đã hết thời gian khai thác theo quy định và hiện chưa được gia hạn. Tuy nhiên, do trên địa bàn huyện Khánh Sơn không nằm trong khu vực được UBND tỉnh phê duyệt vào khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản nên tính đến thời điểm ngày 31/12/2017, nên không thực hiện hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản
Từ những hiệu quả thiết thực đã đạt được đó đã khẳng định vai trò, sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện tốt công tác tuyên truyền. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân./.