Ngày 05/12/2011, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 2139/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Qua 07 năm triển khai thực hiện (giai đoạn 2012-2020), UBND huyện Khánh Sơn đã tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương trên địa bàn hu yện chủ động thực hiện nhiều nhiệm vụ nhằm thực hiện có hiệu quả chiến lược và kế hoạch quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn huyện và đã đạt được những kết quả bước đầu, cụ thể:
Thứ nhất: Về giảm thiệt hại do rủi ro thiên tai :
UBND huyện đã chú trọng trong việc ban hành các văn bản liên quan đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Đây là cơ sở quan trọng giúp các cấp quản lý, chính quyền cơ sở và nhân dân trên địa bàn huyện biết và nâng cao nhận thức trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Năm 2017, UBND huyện Khánh Sơn đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 1199/KH-UBND ngày 04/10/2017 triển khai thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu huyện Khánh Sơn giai đoạn 2017-2020. Hàng năm huyện đều xây dựng Kế hoạch phòng chống thiên tai theo các văn bản chỉ đạo của cấp trên để thực hiện. Năm 2019, UBND huyện đã xây dựng và triển khai 06 văn bản các loại về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến các cơ quan đơn vị, UBND các xã và thị trấn trên địa bàn huyện. Việc đóng quỹ phòng chống thiên tai đều được huyện triển khai và thực hiện đóng theo đúng quy định.
Thứ 2: Về đảm bảo an ninh lương thực và tài nguyên nước.
* An ninh lương thực:
Do điều kiện đặc thù là huyện miền núi, địa hình dốc, chi cắt mạnh nên huyện Khánh Sơn ưu tiên phát triển các cây phù hợp. Số lượng cụ thể như sau:
+ Diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp năm 2018 đạt : 13,56%.
+Tổng sản lượng lương thực và bình quân lương thực năm 2018 : 183%.
+Tỷ lệ hộ gia đình thiếu lương thực (Hộ nghèo) năm 2018: 44,09%
* An ninh tài nguyên nước:
Việc sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn huyện ổn định trong giai đoạn từ 2012 đến nay. Trên địa bàn huyện chỉ có xã Ba Cụm Nam là xã thiếu nước cục bộ vào mùa khô, còn các xã khác tương đối ổn định. Công tác quy hoạch tài nguyên nước được huyện hết sức quan tâm. Tổng số công trình khai thác nước mặt (nước tự chảy) trên địa bàn huyện Khánh Sơn là 08 công trình. Hiện nay có một số công trình đang xuống cấp làm giảm đi hiệu quả khai thác và sử dụng. Huyện đang chỉ đạo các cơ quan liên quan thống kê và tiến hành sửa chữa, nâng cấp trong năm 2019-2020 để đảm bảo phục vụ nước cho người dân. Hiện nay trên địa bàn huyện Khánh Sơn chưa có các công trình hồ chứa (thủy lợi, thủy điện) và các công trình đê sông đê biển; chỉ có kè hai bên sông Tô Hạp và kè khu vực suối Tà Lương nhằm chống sạc lở đất có tổng chiều dài khoảng 5km.
Thứ 3:Về bảo vệ, phát triển bề vững, tăng cường hấp thụ khí nhà kính(KNK) và bảo tồn đa dạng sinh học.
Công tác bảo vệ rừng của huyện trong giai đoạn 2012-2018 được thực hiện tương đối tốt. Nhìn chung tổng diện tích rừng tự nhiên và rừng sản xuất không biến động nhiều. Năm 2018, tổng diện tích rừng là 7.586,26 ha. Đối với diện tích và tỷ lệ rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Hiện tại trên địa bàn huyện chưa triển khai các dự án về cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Huyện Khánh Sơn giáp huyện Khánh Vĩnh về phía Bắc của huyện. Từ năm 2017 đến nay, huyện Khánh Sơn đã thực hiện hoàn thành công tác bàn giao 1.815,77 ha đất về Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương.
Thứ 4:Về giảm nhẹ phát thải KNK góp phần bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất
Trong nông nghiệp: Có nhiều thay đổi trong phương thức canh tác nông nghiệp, sử dụng nước, phân bón, thức ăn chăn nuôi phù hợp, quản lý và xử lý chất thải trong chăn nuôi, phát triển sử dụng khí sinh học làm nhiên liệu, hạn chế và loại bỏ dần các máy nông nghiệp lạc hậu tiêu thụ nhiều năng lượng.
Trong quản lý chất thải: Hầu hết rác được thu gom, xử lý; chưa được phân loại để được chế biến làm phân bón vi sinh hoặc đốt kết hợp phát điện.
Nhìn chung, trong thời gian qua UBND huyện Khánh Sơn đã kịp thời chỉ đạo các ngành, các địa phương trên địa bàn huyện chủ động thực hiện nhiều nhiệm vụ nhằm chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. Công tác phối hợp phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng được quan tâm thực hiện. Do đó, đã góp phần giảm nhẹ được những thiệt hại về người và tài sản của nhân dân trong quá trình xảy ra thiên tai, hạn hán, lũ lụt do biến đổi khí hậu./.