Sáng ngày 20/01/2021, UBND huyện Khánh Sơn đã tổ chức họp để triển khai kế hoạch bảo ồn, khôi phục, phát huy giá trị nhạc cụ đàn Đá Khánh Sơn. ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp gồm có lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Tài chính và kế hoạch, Trung tâm VH-TT&TT, lãnh đạo UBND các xã, thị trấn.
Theo đó, quyết tâm của địa phương là đưa đàn đá trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào; từ đó, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống của dân tộc mình; vì vậy, tại kế hoạch số 1937/KH-UBND ngày 05/12/2019, UBND huyện đã xác định nhiệm vụ cụ thể, đó là tiến hành khảo sát, phục dựng lại 03 hệ thống đàn đá nước giữ nương rẫy nguyên bản của người Raglai; mỗi hệ thống có từ 9 đến 15 thanh đá kêu kích thước lớn, dài và kêu vang, thực hiện gần các dòng chảy tự nhiên, với yêu cầu vận hành đúng theo truyền thống của người Raglai, vật liệu bền theo thời gian nhưng phải đảm bảo yếu tố mỹ thuật truyền thống. Dự kiến bố trí ở 3 địa điểm: Dốc gạo, thị trấn Tô Hạp, xã Ba Cụm Nam và xã Thành Sơn. Trước mắt chế tác: 10 bộ đàn đá, bổ sung cho Phòng Truyền thống huyện và 8 xã, thị trấn. Mỗi bộ gồm 14 thanh có yêu cầu kêu vang ở 2 âm vực, chuẩn âm quốc tế, có thể biểu diễn độc tấu và hòa tấu với các nhạc cụ phổ thông khác, đáp ứng yêu cầu chuyên môn về âm nhạc trong phong trào văn nghệ quần chúng cũng như lễ hội tín ngưỡng tại địa phương.
Tại cuộc họp này, bên cạnh việc thảo luận các nội dung liên quan đến việc khôi phục đàn đá Khánh Sơn, thời gian hoàn thành, kinh phí thực hiện và cách thức triển khai thì Phòng Văn hóa và Thông tin và trung tâm VH-TT &TT huyện cũng đã báo cáo số lượng đàn đá còn lại trên địa bàn huyện, theo đó hiện tại, toàn huyện Khánh Sơn có 2 bộ đàn đá dùng để biểu diễn; một bộ tại phòng Truyền thống huyện, còn một bộ do xã Sơn Hiệp quản lý; tuy nhiên, hiện tại bộ đàn đá tại phòng Truyền thống 01 thanh đã bị vỡ. Số người biết đánh đàn đá cũng rất ít, trong số những người biết đánh đàn đá, các cá nhân cũng chỉ đánh được một vài bài cơ bản; vì vậy việc tổ chức tập huấn về phương pháp bảo tồn, phát huy và kỹ năng biểu diễn thành thạo nhạc cụ đàn đá cho nhạc công người Raglai tại địa phương là rất cần thiết.
Phát biểu kết thúc cuộc họp, ông Nguyễn Văn Nhuận – Chủ tịch UBND huyện đã giao UBND các xã, thị trấn mỗi đơn vị làm chủ đầu tư xây dựng phục hồi 01 bộ đàn đá, riêng Trung tâm VH-TT&TT huyện được UBND huyện giao cho làm chủ đầu tư xây dựng phục hồi 02 bộ đàn đá để tại Nhà truyền thống của huyện; giao Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp tổ chức 01 lớp đào tạo với 18 nhạc công biểu diễn. Tổng kinh phí thực hiện công tác bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị nhạc cụ đàn Đá Khánh Sơn là 628 triệu đồng, trong đó 499 triệu để khôi phục 10 bộ đàn và 127 triệu đào tạo nhạc công biểu diễn đàn đá Khánh Sơn. Dự kiến đến giữa năm 2021 sẽ hoàn thành./.