Ngày 23/9/2020, UBND huyện Khánh Sơn phối hợp với Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa tổ chức buổi lễ Công nhận Cây Di sản Việt Nam cho 02 cây Dầu rái tại thôn Apa 2, xã Thành Sơn, Khánh Sơn.
Về tham dự buổi lễ có đồng chí Mấu Thị Thị- Phó Bí thư huyện ủy huyện Khánh Sơn, đồng chí Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Cao Minh Khánh – Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam. Tham dự buổi lễ còn có toàn thể cán bộ, lãnh đạo các Phòng ban chuyên môn huyện và các Già Làng, trưởng bản của các thôn tại xã Thành Sơn.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Văn Nhuận – chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn đã thay mặt chính quyền địa phương cảm ơn sự quan tâm của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi để Khánh Sơn có được Cây di sản của Việt Nam. Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh “Trong thời gian tới, huyện Khánh Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giám sát, tăng cường bảo vệ và bảo đảm an toàn cho Cây Di sản Việt Nam, xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm, đồng thời phát huy tốt nhất tính chủ động, khả năng sáng tạo của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và của nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Phát huy vai trò giám sát của xã hội, của cộng đồng. Bên cạnh đó cần sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho bảo vệ và phát huy giá trị di sản, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân trực tiếp tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản, vừa được trực tiếp hưởng thụ thành quả do hoạt động này mang lại. Đồng thời, phát triển du lịch với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo vệ môi trường và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong bảo tồn, quản lý di sản.
Để hiểu rõ hơn quá trình khảo sát và công nhận 02 cây Dầu rái là cây Di sản Việt Nam, Ông Nguyễn Quốc Thái- Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo kết quả khảo sát và công nhân Cây Di sản Việt Nam.
Quá trình khảo sát cho thấy, Cây Dầu con rái, Tên địa phương: Dầu rái . Có tuổi đời trên 300 tuổi . Thôn A Pa 2 của đồng bào dân tộc Raglai có lịch sử lâu đời ở xã Thành Sơn, chung quanh là núi rừng với nhiều loài cây gỗ lớn quý, hiếm. Theo già làng địa phương, nơi đây còn sót lại 2 cây Dầu rái có tuổi đời rất lâu năm, chu vi phải đến 4-5 người ôm, đã xuất hiện rất lâu từ trước thời kỳ kháng chiến, tuổi cây ước tính trên 300 năm. Dựa vào kích thước rất to lớn của cây, thân cây lớn có chu vi đo ở 1,3 m là 6,6 m (D1,3: 2,1m) tán xòe rộng đến 30 m, với tăng trưởng bình quân về đường kính từ 0,5-0,7cm/năm, cho thấy cây Dầu này khoảng trên 300 năm. Thân cây nhỏ có D1,3: 1,6m thì độ tuổi khoảng 250 năm.
Thân cây hình trụ thẳng, trong thân có nhiều nhựa dầu; tán lá xòe rộng; 2 cây mọc cách nhau 8m, phạm vi che bóng đến 1.000 m2. Lá đơn, mọc cách, kích thước: 12 x 5 cm; lá kèm hình búp đỏ dài 6-8cm.
Hoa tự: chùm, hoa mẫu 5, màu đỏ. Quả 2 cánh, do đài phát triển tạo thành. Mùa quả: tháng 4-6. Cây đang sinh trưởng bình thường, hàng năm vẫn ra hoa, quả; cây Dầu lớn (Dầu 1) bị bọng ở phần gốc thân (3 x 0,6m).
Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Nhuận đã công bố quyết định và trao bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho 02 cây Dầu rái cho UBND xã Thành Sơn. Sau khi trao bằng công nhận, đồng chí Mấu Thị Thị- Phó Bí thư huyện ủy, đồng chí Nguyễn Văn Nhuận – Chủ tịch UBND huyện lên cắt băng khánh thành Bệ đặt bia di sản Việt Nam cho 02 cây Dầu Rái và cùng chụp hình lưu niệm cùng các đồng chí lãnh đạo có mặt tại buổi Lễ.
Như vậy, việc đề xuất 02 cây Dầu Rái là Cây di sản Việt Nam phù hợp với nguyện vọng từ lâu nay của người dân Khánh Sơn, mong muốn cùng chung tay bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường, góp phần trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho cộng đồng và khơi dậy truyền thống tốt đẹp văn hóa – lịch sử vốn có của con người nơi đây.
Lễ công nhận cây di sản nhằm vinh danh, tuyên truyền, quảng bá những giá trị của cây xanh, góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm bảo vệ môi trường, thiên nhiên; nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen quý hiếm, giữ gìn truyền thống lịch sử, văn hóa quốc gia và bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường Việt Nam.