Ngày 25 tháng 9 năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, có hiệu lực ngày 29/9/2020.
Nghị định gồm có 5 Chương và 68 điều quy định về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý Viên chức.
Theo đó, những quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức có những thay đổi, cụ thể:
- Về nội dung và hình thức tuyển dụng: Đối với thi tuyển và xét tuyển viên chức thì vòng 2 đều phải thực hiện thi môn nghiệp vụ chuyên ngành thông qua một trong ba hình thức thi: Phỏng vấn, thực hành, thi viết.
- Về quyết định tuyển dụng và ký kết hợp đồng làm việc: Sau khi người trúng tuyển hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức ra quyết định tuyển dụng, đồng thời gửi quyết định tới người trúng tuyển theo địa chỉ đã đăng ký và đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng viên chức để biết, thực hiện việc ký hợp đồng làm việc với viên chức.
- Về đối tượng ưu tiên trong thi tuyển hoặc xét tuyển: Nghị định đã bỏ quy định cộng điểm ưu tiên đối với đối tượng "đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ": được cộng 2,5 điểm vào kết quả điểm thi tại vòng 2”.
- Về tiếp nhận vào làm viên chức: Việc tiếp nhận để bổ nhiệm làm viên chức quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thì cơ quan, đơn vị không phải thành lập hội đồng kiểm tra, sát hạch để thực hiện quy trình xem xét tiếp nhận và quyết định bổ nhiệm đồng thời là quyết định tiếp nhận vào làm viên chức, khi đối tượng đủ điều kiện để tiếp nhận vào làm viên chức và đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm.
- Về xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
+ Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên chức.
+ Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp.
+ Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng
Trường hợp viên chức được miễn thi môn ngoại ngữ, tin học thì đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn ngoại ngữ, tin học của chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng.
+ Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng.
- Nghị định nêu rõ, quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức bao gồm các nội dung: Tên của chức danh nghề nghiệp; nhiệm vụ bao gồm những công việc cụ thể phải thực hiện có mức độ phức tạp phù hợp với hạng chức danh nghề nghiệp; tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp; tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
- Căn cứ vào mức độ phức tạp công việc của chức danh nghề nghiệp, các chức danh nghề nghiệp viên chức trong cùng một lĩnh vực sự nghiệp được xếp hạng từ cao xuống thấp: Chức danh nghề nghiệp hạng I, hạng II, hạng III, hạng IV, hạng V.
- Việc thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện trong các trường hợp sau:
+ Xét chuyển từ chức danh nghề nghiệp này sang chức danh nghề nghiệp khác tương ứng cùng mức độ phức tạp công việc theo yêu cầu của vị trí việc làm.
+ Thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp.
+ Xét thăng hạng đặc cách vào hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn tương ứng với chức danh được công nhận, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
- Nghị định cũng quy định xét chuyển chức danh nghề nghiệp. Cụ thể, việc xét chuyển chức danh nghề nghiệp được thực hiện khi viên chức thay đổi vị trí việc làm mà chức danh nghề nghiệp đang giữ không phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm mới.
Viên chức được xét chuyển chức danh nghề nghiệp phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được tuyển.
Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định việc xét chuyển chức danh nghề nghiệp theo thẩm quyền phân cấp.
Khi xét chuyển chức danh nghề nghiệp không kết hợp nâng lương.
Ngoài ra Nghị định còn quy định cụ thể về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác đến tuổi nghỉ hưu đối với viên chức quản lý và một số thay đổi khác.
Nghị định 115/2020/NĐ-CP có hiệu lực và bãi bỏ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Điều 2 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Xem chi tiết tại đây