Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và sự phối hợp đồng bộ của cấp ủy, chính quyền cấp xã, Ủy ban nhân dân huyện Khánh Sơn đã triển khai có hiệu quả chính sách đào tạo nghề 1956 trên địa bàn huyện Khánh Sơn; qua đó, bước đầu tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và điều hành của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và người lao động về vai trò của dạy nghề đối với nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đề án được ban hành tương đối đầy đủ và kịp thời.
Theo báo cáo của UBND huyện thì Đề án được triển khai trên địa bàn huyện được chia làm hai giai đoạn, gồm giai đoạn 2010 – 20215 và giai đoạn 2015-2020, sau 10 năm thực hiện Đề án đã có kết quả nhất định sau:
Giai đoạn 2010-2015, trên địa bàn huyện đã đào tạo cho 1.032 người, trong đó: dạy nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp nghề và dưới 03 tháng cho 446 lao động nông thôn, chiếm tỷ lệ 43%; so với mục tiêu của Đề án 1.000 người là chưa đạt (do dạy nghề nông nghiệp giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện). Dạy nghề phi nông nghiệp cho 586 lao động nông thôn, chiếm tỷ lệ 57%. Đào tạo, bồi dưỡng 216 cán bộ, công chức cấp xã.
Giai đoạn 2 được triển khai trong 5 năm (2016-2020), đến năm 2020 đã đào tạo nghề cho 2.120 lao động nông thôn, trong đó: dạy nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp nghề và dưới 03 tháng cho 238lao động nông thôn, chiếm tỷ lệ 11%; dạy nghề phi nông nghiệp cho 1.882 lao động nông thôn, chiếm tỷ lệ 89%; đào tạo, bồi dưỡng cho 115 cán bộ, công chức cấp.
Để đạt được kết quả trên, UBND huyện Khánh Sơn đã triển khai đồng bộ các giải pháp chủ yếu trong triển khai thực hiện Đề án tại trên địa bàn huyện như: chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chính sách đối với người học đúng các văn bản quy định như hỗ trợ học phí và hỗ trợ tiền ăn; thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, xã hội, của cán bộ, công chức xã và lao động nông thôn về vai trò của đào tạo nghề đối với việc tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án; thường xuyên rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và tình hình thực tế về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tư vấn, giới thiệu về việc làm cho lao động; kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động vào làm việc.
Vì vậy, qua 10 năm thực hiện Đề án trên địa bàn huyện, cho thấy tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề vượt so với mục tiêu kế hoạch, số lượng lao động được đào tạo nghề đến năm 2020 tăng gấp đôi so với giai đoạn 2010-2015 là 1088 lao động; quy mô đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngày càng tăng, hình thức và phương pháp đào tạo ngày càng đa dạng theo hướng gắn với nhu cầu người học, nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần giúp cho nhiều lao động (đặc biệt là đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, người nghèo...) được chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề, đem lại năng suất và thu nhập cao hơn, tạo việc làm cho nhiều lao động. Sau khi học nghề, nhiều lao động đã áp dụng có hiệu quả vào phát triển sản xuất, nhiều hộ gia đình đã xây dựng được các mô hình sản xuật hiệu quả, thu nhập cao, Chất lượng lao động nông thôn ngày càng tăng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện./.