Thời gian vừa qua xảy ra liên tiếp nhiều vụ cháy rừng trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nói riêng. Những vụ cháy này không những gây thiệt hại nặng nề về diện tích rừng mà còn có những mất mát thương tâm về người. Bên cạnh đó, cháy rừng không chỉ có tác động nghiêm trọng đến môi trường mà còn ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội và sản xuất kinh doanh lâm nghiệp. Cháy rừng sẽ hủy diệt toàn bộ thực vật, sinh vật, vi sinh vật, làm thay đổi tính chất lý, hóa của đất trên diện tích bị cháy. Việc phục hồi hệ sinh thái rừng như trạng thái ban đầu là rất khó khăn.Do đó, công tác phòng, chống cháy rừng luôn luôn cần được xem trọng. Tuy nhiên, đây không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, đơn vị chủ rừng hay Ban chỉ đạo phòng chống cháy rừng mà là của mọi người dân. Từng gia đình, từng cá nhân phải có ý thức cao trong bảo vệ rừng; tích cực tham gia phòng, chống cháy rừng bằng những việc làm thiết thực, đặc biệt không có các hành động gây nguy cơ cháy rừng như: bất cẩn trong dùng lửa, đốt dọn ven rừng, đốt đồi trọc lấy cỏ chăn nuôi, vào rừng đốt tổ ong lấy mật...

Hình ảnh: Kiểm tra trách nhiệm của UBND cấp xã đối với công tác phòng cháy và chữa cháy rừng
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Khánh Sơn có 20.856,84 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện đạt 59,77%. Hiện tại, thời tiết đang bước vào mùa hanh khô, nắng nóng làm tăng nguy cơ cháy rừng, các hoạt động đốt nương làm rẫy, xử lý thực bì, việc sử dụng lửa của người dân tại các khu dân cư gần rừng nếu không thực hiện đúng quy định về phòng cháy, chữa cháy sẽ dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ cháy, đặc biệt rừng trên địa bàn huyện Khánh Sơn chủ yếu ở địa hình đồi núi, khu vực dễ cháy hầu hết ở vị trí cao, việc chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm đám cháy để xử lý rất quan trọng, một khi xảy ra cháy rất khó kiểm soát. Để chủ động thực hiện tốt công tác PCCCR, Đội CC và CNCH Khu vực 2 – Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáochính quyền địa phương, chủ rừng, hộ gia đình, người dân thực hiện một số nội dung trong công tác PCCCR như sau:
1. Chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin về thời tiết, khí hậu, thực hiện tốt công tác dự báo tình hình, cấp dự báo cháy rừng, vùng trọng điểm nguy cơ cháy rừng cao, đặc biệt là vào đợt cao điểm mùa hanh khô, để kịp thời triển khai các biện pháp PCCCR.
2. Tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước về PCCCR, trong đó chú trọng công tác kiểm tra hướng dẫn, công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức về an toàn PCCCR nhằm nâng cao ý thức, nhận thức về công tác PCCCR cho chủ rừng và người dân.
3. Chủ động trang bị phương tiện, dụng cụ PCCCR phù hợp với đặc điểm và tính chất cháy của từng loại rừng theo phương án phòng cháy và chữa cháy như: dao phát tạo đường băng cản lửa, vỉ dập lửa, cuốc, xẻng, máy bơm chữa cháy, nguồn nước phục vụ chữa cháy,…
4. Khi đốt nương, rẫy, đồng ruộng, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng, người sử dụng lửa phải thực hiện biện pháp an toàn phòng cháy và chữa cháy như: Không đốt vào những ngày có dự báo nguy cơ cháy rừng ở cấp IV, cấp V. Trong ngày, tiến hành đốt lúc gió nhẹ, vào trước 9 giờ buổi sáng và sau 16 giờ buổi chiều; trước khi đốt phải thông báo với trưởng thôn, bản, tổ đội PCCCR. Trong khi đốt phải bố trí người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan vào rừng; sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa.
5. Sử dụng lửa ở những cơ sở, công trình, công trường và nhà ở được phép bố trí ở trong rừng phải bảo đảm không để cháy lan vào rừng; sau khi sử dụng lửa phải dập tắt hết tàn.
6. Khi lập dự án phát triển rừng phải có giải pháp phòng cháy và chữa cháy, bảo đảm có giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan giữa các lô, khoảng, tiểu khu rừng và hệ thống đường dây điện cao thế, các công trình hiện có tại khu vực rừng; công trình PCCCR phù hợp với đặc điểm của từng loại rừng; dự toán thiết kế phải bảo đảm đủ kinh phí cho việc thực hiện các hạng mục công trình PCCCR.
7. Thực hiện xây dựng phương án PCCCR, phê duyệt và tổ chức thực tập theo quy định tại Điều 45 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
8. Khi xảy ra cháy rừng, người phát hiện cháy rừng phải bằng mọi cách báo cháy ngay cho người xung quanh và cho một hoặc các đơn vị sau đây: Chủ rừng; đội PCCCR nơi gần nhất; cơ quan Kiểm lâm hoặc Đội CC và CNCH Khu vực 2 qua số điện thoại báo cháy 114; chính quyền địa phương sở tại hoặc cơ quan Công an, Quân đội nơi gần nhất.
9. Thực hiện đầy đủ công tác PCCCR khác theo quy định của pháp luật./.