Chiều ngày 11/3/2024, UBND huyện tổ chức Hội nghị Tổng kết đánh giá Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) huyện Khánh Sơn năm 2024 và triển khai kế hoạch Chương trình năm 2025. Ông Nguyễn Quốc Đông – Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia huyện, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có hường trực Huyện ủy, Thường trực HĐND huyện, Thường trực Ủy ban MTTQVN huyện; Thành viên Hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP huyện Khánh Sơn; Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan; lãnh đạo UBND các xã, thị trấn và cán bộ phụ trách Chương trình OCOP các xã, thị trấn.
Thời gian qua, việc triển khai chương trình OCOP trên địa bàn huyện luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện. UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình OCOP bằng nhiều hình thức, lồng ghép tuyên truyền thực hiện Chương trình OCOP tại các buổi thảo luận, lớp tập huấn chuyên ngành, các cuộc họp…

Năm 2024, có 21 sản phầm của 09 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình. Trong đó, công nhận 12 sản phẩm đạt 3 sao và 04 sản phẩm đạt 4 sao. Huyện đã phối hợp xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm Sầu riêng khánh Sơn với Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Khánh Hoà, Công ty Minh Phong tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại tại huyện với tổng số 150 người tham gia, Hội nghị nhằm quảng bá và tìm đầu ra cho các sản phẩm chủ lực của huyện, trong đó có sản phẩm OCOP (sầu riêng); đưa các sản phẩm được chứng nhận OCOP lên các sàn thương mại điện tử như: Sàn OCOP, Khanhhoa.link, chợ nông sản khánh hòa tham gia trưng bày tại các hội chợ triển lãm…Chương trình OCOP đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể về mọi mặt. Tổ chức và năng lực sản xuất; liên kết chuỗi giá trị; sản lượng, chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm; Chương trình OCOP đã thực sự lan tỏa đối với phát triển kinh tế - xã hội (lao động, việc làm, cơ cấu lại sản xuất, môi trường…) tại địa phương, nhất là phát triển kinh tế nông thôn. Giá bán của sản phẩm OCOP đã có sự khác biệt so với các sản phẩm bình thường (giá trị sản phẩm tăng lên) do đó đã tạo động lực, khích lệ các Chủ thể tham gia Chương trình. Trong năm 2024, 02 doanh nghiệp và 01 hộ kinh doanh đã mở rộng thị trường tiêu thụ trên toàn quốc. Các sản phẩm được chứng nhận đã được hỗ trợ tiêu chuẩn hóa sản phẩm (xây dựng mô hình Viet GAP, phân tích chất lượng sản phẩm): Xây dựng nhãn hiệu, bao bì, truy xuất nguồn gốc, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP… Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP 03 sao trở lên thì tình hình sản xuất kinh doanh của các chủ thể được cải thiện và phát triển rõ rệt, thu nhập tăng bình quân khoảng 10-15% so với những năm chưa được chứng nhận OCOP…
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực cũng như kết quả các cấp, các ngành đã đạt được trong thực hiện chương trình OCOP năm 2024. Qua đó, khẳng định, kết quả trên góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nhất là trong phát triển sản xuất, kinh doanh và giải quyết việc làm tại địa phương.
Để đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2025, Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị các cấp, các ngành, nhất là các chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP tiếp tục tiêu chuẩn hóa, phát triển sản phẩm, khắc phục những hạn chế, bổ sung, hoàn thiện sản phẩm để tham gia nâng hạng sản phẩm. Phòng Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ để phát triển sản xuất ở các tổ chức kinh tế OCOP; tập trung các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thúc đẩy chế biến sâu, liên kết và gắn với vùng nguyên liệu địa phương để hình thành các chuỗi giá trị hoàn chỉnh, sản phẩm OCOP đặc sắc, có giá trị cao; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá một cách bài bản, đồng bộ và thường xuyên, tăng cường quản lý giám sát sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu quốc gia làm cơ sở để đẩy mạnh thị trường và tiếp cận thị trường quốc tế. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Phát triển các mô hình vùng nguyên liệu bền vững, liên kết giữa các nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để đảm bảo nguồn cung ứng ổn định cho sản xuất…
Dịp này, UBND huyện công bố và trao giấy chứng nhận cho 4 sản phẩm OCOP 4 sao và 12 sản phẩm OCOP 3 sao cho các chủ thể.