Giai đoạn 2022-2025, Khánh Sơn là một trong 74 huyện nghèo của cả nước. Theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, Khánh Sơn phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2025. Tuy nhiên, với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, sự đoàn kết, nỗ lực của cán bộ và nhân dân địa phương, đến nay huyện đã đạt các tiêu chí thoát khỏi huyện nghèo theo mục tiêu Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đầu năm 2022, huyện Khánh Sơn có 3.530 hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều mới), chiếm hơn 47% số hộ dân toàn huyện. Để giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện, hằng năm Khánh Sơn đều xây dựng và triển khai kế hoạch, lộ trình giảm nghèo cụ thể, phù hợp với thực tế địa phương. Trong đó chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức tự lực, đoàn kết hỗ trợ nhau cùng phát triển của người dân; phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong công tác giảm nghèo. Địa phương quyết tâm xóa hộ nghèo có thành viên là đảng viên trong năm 2024.
Chị Bo Bo Thị Đạm, thôn Tà Nỉa, xã Sơn Trung chia sẻ: “Bản thân tôi là đoàn viên thanh niên, cũng là đảng viên trẻ. Trong thời gian qua, mới tách hộ, gia đình tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Phát huy tinh thần gương mẫu, tính tiên phong của đảng viên trẻ, tôi đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Đến hiện tại, gia đình tôi từng bước ổn định cuộc sống, dựa vào cây trồng, vật nuôi để phát triển thêm kinh tế. Trong tương lai cũng sẽ cố gắng phát triển cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế bền vững hơn để thoát nghèo bền vững”.
Ông Cao Trường Luận-Phó Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trung cho biết: “Năm 2024, trên cơ sở các nguồn vốn đầu tư của huyện, tỉnh, đặc biệt là đảng ủy xã cũng quan tâm vận động đảng viên nghèo viết đơn thoát khỏi hộ nghèo. Đảng ủy xã cùng với các ban ngành đoàn thể của xã tạo điều kiện giúp đỡ về nguồn vốn, sức lao động. Thứ hai là tuyên truyền vận động đảng viên hiểu được chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để hoàn thành được nhiệm vụ, nghị quyết của đảng ủy nhiệm kỳ 2020-2025”.
Trong số hộ nghèo trên địa bàn huyện có đến hơn 87% là do nguyên nhân thiếu hụt về thu nhập. Chính vì thế, địa phương đã đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Trong đó, tập trung chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng cây trồng; hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu chính ngạch ra nước ngoài…Từ năm 2022 đến nay, huyện đã thực hiện lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo xây dựng, sửa chữa trên 1.500 căn nhà, giúp bà con “an cư lạc nghiệp”. Đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm cho người dân. Đồng thời, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhằm tạo thuận lợi cho người dân khai thác tiềm năng để phát triển sản xuất, thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch…
Ông Mấu Anh Tuyên-Chủ tịch UBND xã Thành Sơn nói: “UBND xã Thành Sơn chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các tuyến đường giao thông nông thôn. Trong năm 2024 xây dựng được 7 công trình giao thông nông thôn đi vào khu sản xuất và khu dân sinh. UBND xã cũng chú trọng công tác đào tạo nghề, giúp bà con có cái nghề. Năm 2024, xã Thành Sơn xây dựng được hơn 250 căn nhà ở thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoài ra xã cũng tập trung các mô hình sinh kế”.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo năm 2024, hiện nay toàn huyện giảm còn 1.620 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 20,17%), giảm 27% (tương đương hơn 1.900 hộ) so với đầu năm 2022. Bình quân toàn huyện giảm 9% hộ nghèo/năm từ năm 2022 đến 2024, vượt so với kế hoạch đề ra là giảm 4-5%/năm. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để Khánh Sơn đã đạt các tiêu chí thoát khỏi huyện nghèo trong năm 2024, sớm hơn 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Ông Đinh Văn Dũng-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phát biểu: “Trong thời gian đến, chúng tôi tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế và tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hộ cơ bản. Thứ hai là tập trung hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh, du lịch, dịch vụ, hỗ trợ sinh kế, nhằm tạo việc làm cũng như thu nhập bền vững cho lao động. Xây dựng các chương trình tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người đồng bào dân tộc thiểu số để thay đổi các phong tục lạc hậu cản trở các hoạt động phát triển kinh tế, tránh tái nghèo. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, khi tổ chức thực hiện thì công tác triển khai nhiệm vụ phải đồng bộ, chuyên nghiệp".
Từ nay đến cuối nhiệm kỳ 2020-2025, huyện sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh, của địa phương trên các lĩnh vực. Trong đó, trọng điểm là các chương trình mục tiêu quốc gia; các đề án, chương trình hỗ trợ giảm nghèo, phấn đấu năm 2025, toàn huyện giảm thêm khoảng 7% hộ nghèo so với năm 2024, đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện về dưới 13%. Đồng thời sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp để địa phương thoát nghèo bền vững trong những năm tiếp theo. Góp phần cùng với toàn tỉnh thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra là đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương.
Luận