Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản đã được UBND huyện Khánh Sơn thường xuyên quan tâm, chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã, thị trấn, các cơ quan đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản chưa khai thác đúng quy định.
Ngày nay, cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của huyện ngày càng tăng, kéo theo nhu cầu về vật liệu xây dựng thông thường phục vụ cho các công trình xây dựng trên địa bàn huyện ngày càng nhiều. Việc khai thác, kinh doanh khoáng sản trái phép có lợi nhuận cao nên một số tổ chức, cá nhân đã mua sắmcác loại xe máy cày, máy kéo, máy múc đưa vào hoạt động khai thác khoáng sản. Các đối tượng thường khai thác vào ban đêm, vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày nghỉ, lễ tết ở dọc bãi bồi bờ sông, suối có nhiều cát, đá gần khu vực sinh sống, sản xuất nông nghiệp gây sạt lở đất đai, thất thoát tài nguyên khoáng sản, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội xung quanh khu vực có khoáng sản.
Khoáng sản trên địa bàn huyện Khánh Sơn chủ yếu là vật liệu xây dựng thông thường như: Cát xây dựng, đất san lấp, đá chẻ và đá xây dựng các loại… với trữ lượng không nhiều, chất lượng khoáng sản tương đối tốt, phân bố nhiều nơi. Theo Quyết định số 25/QĐ-UBND ngày 04/01/2018 của UBND tỉnh Khánh Hòa về Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030 huyện Khánh Sơn. Đất đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Sơn Trung với diện tích 140,0 ha; xã Ba Cụm Bắc diện tích 65 ha; thị trấn Tô Hạp diện tích 120 ha; Cát Sông Tô Hạp (đoạn Sơn Lâm-TT Tô Hạp) với diện tích 220 ha; Đất san lấp tại xã Ba Cụm Bắc với diện tích 4,0 ha, tại xã Sơn Trung với diện tích 30 ha; Đã xây dựng tại thôn Dốc trầu, xã Ba Cụm Bắc với diện tích 20 ha
Để kịp thờichấn chỉnh, lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý nhà nước về các hoạt động khoáng sản. Ngày 30/03/2023, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 446/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn kiểm tra công tác quản lý và hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện Khánh Sơn. Đoàn kiểm tra đã xây dựng Kế hoạch số 180/KH-ĐKTKS ngày 30/3/2023, kiểm tra trong 45 ngày (từ ngày 06/4/2023 đến 13/4/2023).
Kết quả kiểm tra về Công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản của UBND cấp xã: Đoàn kiểm tra tiến hành làm việc trực tiếp với 08/08 xã, thị trấn. Qua kiểm tra các xã, thị trấn đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác quản lý, Đoàn kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản (gọi chung là Tổ công tác) và xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác cho năm 2023. UBND các xã, thị trấn đã tổ chức tuyên truyền trong nhân dân với hình thức lồng ghép thông qua các buổi họp thôn, tổ dân phố, trên hệ thống truyền thanh của xã; vận động nhân dân không khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép; phát hiện và tố giác với chính quyền địa phương khi phát hiện tổ chức, cá nhân có hành vi khai thác khoáng sản trái phép; nâng cao nhận thức của người dân thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Hầu hết UBND các xã, thị trấn xây dựng các biển báo cấm khai thác tại khu vực khoáng sản trên địa bàn quản lý, chôn trụ cọc bê tông chặn đường lối thường xuyên ra vào các khu vực khoáng sản để ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép.
Đối với hoạt động khoáng sản được cấp phép khai thác: Trên địa bàn huyện hiện nay chưa có doanh nghiệp tư nhân nào được cấp phép khai thác, tận thu khoáng sản. Chỉ có Công ty TNHH TM Thiên Kim NT đã được UBND tỉnh cấp Giấy phép thăm dò số 400/UBND ngày 24/2/2023.
Đối với các khu vực có quy hoạch khoáng sản: Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tracác điểm quy hoạch, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản là đất san lấp và đá xây dựng ở xã Sơn Trung, xã Ba Cụm Bắc, đến nay chưa có đơn vị nào khảo sát để lập thủ tục thăm dò, khai thác. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu UBND cấp xã tổ chức quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo đúng quy định.
Đối với hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, đá trái phép: khu vực bãi bồi có nhiều cát, sỏi bồi lấp, các khu vực có nguy cơ xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và dọc các tuyến đường giao thông.Nhận thấy, hầu hết các đối tượng khai thác khoáng sản đều tự phát, không có giấy phép, mục đích phục vụ việc xây dựng, sữa chữa nhà ở, công trình nhỏ quy mô hộ gia đình, khối lượng ít và vào mục đích cải tạo đất để sản xuất nông nghiệp. Đòng thời, Tiến hành kiểm tra các công trình dự án đang xây dựng Kè dọc các suối nhỏ, sông Tô Hạp.Nhận thấy, hầu hết các dự án đều khai thác khoáng sản, sàn cát đá tại chỗ tận dụng phục vụ tại công trình và vận chuyển ra khỏi công trình này sang phục vụ công trình khác.
Qua kiểm tra Đoàn kiểm tra đã phát hiện các trường hợp vi phạmkhai thác vận chuyển khoáng sản trái phép sử dụng bằng các phương tiện máy múc, xe ben, xe máy cày. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và đề nghị UBND các xã, thị trấn xử lý theo thẩm quyền và báo cáo về Đoàn kiểm tra. Cụ thể như sau:
+ Tại UBND xã Ba Cụm Bắc: Xử lý 03 trường hợp vi phạm khai thác vận chuyển khoáng sản trái phép với tổng số tiền phạt 8.000.000đ và 01 trường hợp cải tạo đất bằng xe múc của bà Lê Thị Kim Hoa thuộc thôn Tha Mang, tiếp giáp với đường Tỉnh lộ 9: Không phát hiện vi phạm tại thời điểm kiểm tra và có xác lập bằng biên bản ngày 08/05/2023.
Ảnh Đoàn kiểm tra phát hiện và xử lý vi phạm đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép tại thị trấn Tô Hạp
+ Tại UBND thị trấn Tô Hạp:Xử lý 03 trường hợp vi phạm khai thác vận chuyển khoáng sản trái phép với tổng số tiền phạt 6.000.000đ
Qua kiểm tra công tác quản lý và hoạt động khoáng sản trên địa bàn các xã và thị trấn Tô Hạp cho thấy ông tác quản lý nhà nước về khoáng sản đã được các cấp chính quyền thực hiện tương đối nghiêm theo Luật Khoáng sản, các văn bản chỉ đạo của cấp trên về bảo vệ, quản lý, khai thác khoáng sản; các xã, thị trấn đã chủ động thành lập các Tổ, Đoàn kiểm tra về công tác quản lý, hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản; xây dựng kế hoạch bảo vệ tài nguyên khoáng sản, rà soát, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản cho nhân dân bằng nhiều hình thức, từ đó nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản. Tuy nhiên,còn một số tồn tại như việc kiểm tra, xử lý vi phạm về khoáng sản chưa thường xuyên, kịp thời; công tác chỉ đạo, tổ chức kiểm tra các vi phạm chưa thường xuyên, đồng bộ; việc xử lý chưa nghiêm, thiếu quyết liệt, chưa đủ sức răn đe, chưa có biện pháp kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm ngay từ đầu, dẫn đến một số đối tượng vẫn tiếp tục khai thác trái phép./,