Ngày 30/12/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 82/2022/TT-BTC quy định nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2023.
Đối tượng áp dụng của Thông tư là cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước, để thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 46 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính) và Điều 5 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP.
Kinh phí thực hiện các hoạt động trong quá trình áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ, do ngân sách địa phương đảm bảo theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
Theo Thông tư, ngân sách nhà nước chi xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện ma túy cho các đối tượng theo quy định của Luật Phòng chống ma túy, khoản 1 Điều 18 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế: Mức chi xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể căn cứ vào hóa đơn chứng từ chi tiêu hợp pháp và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Mức chi xét nghiệm tình trạng nghiện ma túy theo giá dịch vụ y tế do cấp có thẩm quyền quyết định đối với cơ sở công lập đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chi chuyển giao đối tượng về nơi cư trú hoặc đến cơ sở bảo trợ xã hội gồm: Chi hỗ trợ cho đối tượng trong thời gian đi đường: Tiền ăn 70.000 đồng/ngày/người, tối đa không quá 03 ngày; tiền thuê phòng nghỉ (nếu có) theo mức quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.
Chi tiền tàu xe hoặc thuê phương tiện vận chuyển đưa đối tượng về nơi cư trú hoặc đến cơ sở bảo trợ xã hội: Mức chi theo giá phương tiện công cộng phổ thông áp dụng tại địa phương.
Chi công tác phí cho người được giao nhiệm vụ chuyển giao đối tượng: Nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Chi chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ học văn hóa, hướng nghiệp, dạy nghề, hỗ trợ tìm việc làm của người chưa thành niên tại cơ sở bảo trợ xã hội: Áp dụng nội dung và mức chi của đối tượng bảo trợ xã hội được nuôi dưỡng, chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định của địa phương.
Bên cạnh các khoản chi trên, Thông tư nêu rõ, ngân sách nhà nước chi hỗ trợ người được giáo dục chưa có nghề hoặc có nghề nhưng không phù hợp, có nhu cầu học nghề trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng. Cụ thể, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 152/2016/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng và Thông tư số 40/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 152/2016/TT-BTC.
Đối với chi tổ chức cho người được giáo dục tham gia các hoạt động công ích tại cộng đồng với hình thức phù hợp, mức chi thanh toán theo thực tế phát sinh trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hợp đồng, hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp.
Đối với chi tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục cho người được phân công giúp đỡ theo quy định, nội dung chi, mức chi thực hiện theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư số 36/2018/TT-BTC.
Riêng đối với chi xây dựng, biên soạn tài liệu phục vụ các lớp đào tạo bồi dưỡng, tập huấn có thời gian dưới 5 ngày thì áp dụng mức chi tiền công viết tài liệu là 70.000 đồng/trang chuẩn; Tiền công sửa chữa, biên tập tổng thể là 40.000 đồng/trang chuẩn; Tiền công thẩm định và nhận xét là 30.000 đồng/trang chuẩn.