Hiện nay, huyện Khánh Sơn đã xây dựng và triển khai thực hiện phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) trên địa bàn năm 2017 theo phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”.
Phòng là chính
Thời gian qua, UBND huyện Khánh Sơn đã chỉ đạo các ngành liên quan và các xã, thị trấn chuẩn bị phương tiện, vật tư cần thiết và nguồn nhân lực sẵn sàng phục vụ, ứng cứu khi có mưa lũ xảy ra; chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc men để kịp thời cung ứng cho người dân trong tình huống xảy ra mưa lũ kéo dài. “Trong những ngày qua, Trung tâm Dịch vụ-Thương mại huyện đã phân bổ các mặt hàng thiết yếu như: gạo, mì tôm, dầu ăn và các loại thực phẩm khác về cửa hàng thương mại các xã. Riêng xã Thành Sơn, Trung tâm bố trí hàng nhiều hơn các xã khác. Với lý do, nếu thiên tai bão lũ xảy ra thì còn phục vụ cho bà con nhân dân xã Phước Bình (huyện Bắc Ái). Hiện tại, đơn vị đang tiếp tục xin kinh phí để mua bổ sung thêm các mặt hàng dự trữ trong mùa mưa lũ, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu của người dân”, ông Bùi Văn Chuyền, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ-Thương mại huyện Khánh Sơn nói.
Hiện tại, các xã, thị trấn đã phân bổ lực lượng 235 người sẵn sàng tham gia ứng cứu khi xảy ra bão lũ. Đồng thời bố trí các địa điểm di dời dân trong những trường hợp cần thiết. Dự kiến, toàn huyện có 172 hộ dân, 712 nhân khẩu phải di dời khi xảy ra lũ lụt. Bên cạnh đó, những khu vực xung yếu, có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn huyện cũng đã được xác định để có phương án đề phòng, vận động người dân di dời tài sản, thu hoạch hoa màu, hạn chế thiệt hại do thiên tai như: khu vực thôn 4, cầu treo thôn Apa 2 (xã Thành Sơn); đường vào khu sản xuất thôn Chi Chay (xã Sơn Trung); đường vào thôn Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp)…. UBND huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức tập huấn, diễn tập cho các lực lượng trực tiếp làm công tác phòng, chống thiên tai; chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức phòng chống lụt bão cho người dân. Ông Nguyễn Doãn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết: “Ngay từ đầu năm, xã đã xây dựng phương án PCTT và TKCN trên địa bàn. Trong đó tăng cường tuyên truyền, vận động những hộ sinh sống, sản xuất tại những khu vực xung yếu, có nguy cơ sạt lở nâng cao cảnh giác; không chủ quan đi qua sông suối, đập tràn trong mùa mưa lũ; chủ động bảo vệ tài sản, tính mạng khi xảy ra lũ lụt. Xã cũng đã chỉ đạo các thành viên của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiểm tra, rà soát các điểm xung yếu, ngập lụt và sạt lở để có kế hoạch di dời dân khi có tình huống xảy ra”.
Để chủ động phòng tránh những ảnh hưởng do thời tiết gây ra, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN của huyện cũng đã xây dựng phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro trên địa bà huyện. Đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, cũng như các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn phối hợp thực hiện.
Cầu tràn vào thôn Xóm Cỏ (xã Sơn Bình) bị ngập sâu trong nước lũ,
gây chia cắt cục bộ trong đợt mưa lũ cuối năm 2016.
Chú trọng các công trình phòng chống lụt bão
Theo ông Phan Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, để tránh tình trạng xảy ra sự cố gây chia cắt giao thông, huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan kiểm tra hoạt động của các cầu, cống, cầu tràn, đảm bảo trọng tải cho phép của các phương tiện giao thông qua lại; kiểm tra, rà soát và tiến hành duy tu, sửa chữa các công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng trước khi xảy ra mưa lũ. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phòng chống lụt bão trên địa bàn huyện. “Bằng nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, hiện nay Ban quản lý dự án các công trình xây dựng huyện đang triển khai thi công công trình cầu treo Cam Khánh (xã Sơn Lâm) bị lũ cuốn trôi cuối năm 2016, dự kiến tháng 12/2017 sẽ nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Ngoài ra, đơn vị cũng đang thi công dự án kè bờ suối Tà Lương (thị trấn Tô Hạp), nhằm chống sạt lở bờ sông, bảo vệ đường giao thông và diện tích sản xuất của người dân”, ông Trần Hữu Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình xây dựng huyện cho biết.
Để đảm bảo giao thông thông suốt trên tuyến đường tỉnh lộ 9 (nối liền thành phố Cam Ranh với Khánh Sơn), nhất là trong thời điểm xảy ra mưa lũ kéo dài, hiện nay Hạt quản lý cầu đường huyện đã và đang tiến hành duy tu, sửa chữa những đoạn bị sạt lở do mưa lớn trong thời gian qua; chuẩn bị một số vật tư cần thiết như: rọ thép và đá hộc để tập kết tại các cầu tràn, cống thoát nước ngang để chống sói lở.
Mặc dù những năm gần đây, tỉnh đã đầu tư xây dựng 4 cây cầu kiên cố qua sông Tô Hạp (đoạn tỉnh lộ 9 qua địa phận huyện), đảm bảo giao thông thông suốt giữa các xã, thị trấn trong mùa mưa. “Tuy nhiên trên đường tỉnh lộ 9 (đoạn qua địa phận huyện Cam Lâm) vẫn còn một số cầu tràn thường xuyên bị ngập sâu trong nước khi có mưa lũ lớn, gây rất nhiều khó khăn, nguy hiểm cho cán bộ và nhân dân huyện Khánh Sơn lưu thông qua tuyến đường huyết mạch này. Ngoài ra, trên địa bàn xã Sơn Bình có cầu tràn nối tỉnh lộ 9 vào thôn Xóm Cỏ thường bị chia cắt cục bộ mỗi khi có mưa lớn. Do vậy chúng tôi đề xuất cấp trên quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng cầu vượt lũ qua cầu tràn thôn Xóm Cỏ, nhằm tạo thuận lợi và đảm bảo an toàn cho người dân qua lại, nhất là đối với các cháu học sinh không phải nghỉ học trong mùa mưa lũ”, ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện kiến nghị.
Đinh Luận
Đài TT-TH Khánh Sơn