12/06/2019 12:44
Lượt xem:
159
Trong hai ngày 10 và 11 tháng 6 năm 2019, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế HĐND huyện do Ông Phạm Văn Hợp – Trưởng Ban làm Trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát một số mô hình được hỗ trợ tại các xã Thành Sơn, Sơn Hiệp, thị trấn Tô Hạp và giám trực tiếp Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về tình hình triển khai và kết quả thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp theo Quyết định 661/QĐ-UBND ngày 13/3/2017 (Quyết định 1609/QĐ-UBND ngày 7/8/2018) của UBND tỉnh Khánh Hòa; tham dự gồm có các thành viên của Đoàn giám sát, Đại diện các Phòng Tài chính và Kế hoạch, UBND các xã, thị trấn và Lãnh đạo UBND các xã, thị trấn.
Đoàn giám sát đã nghiên cứu Báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho thấy, trong giai đoạn 2017 đến 2019 trên địa bàn huyện Khánh Sơn 754,58 ha đã được chuyển đổi cây trồng với tổng số 1.451 hộ tham gia; cụ thể: năm 2017, 339 hộ tham gia chuyển đổi trên 228,79ha với tổng đầu tư 17.603 triệu đồng; năm 2018, 785 hộ tham gia chuyển đổi trên 372 ha với tổng đầu tư 28,464 triệu đồng; năm 2019, 354 hộ tham gia chuyển đổi trên 175,15 ha với tổng đầu tư 22.313 triệu đồng.
Đối với Đề án trồng thử nghiệm cây Măng Le có 22 hộ xã Sơn Hiệp tham gia trên 3,7 ha với tổng kinh phí là 37 triệu đồng, trong đó 22 triệu đồng là kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho người dân; đến cuối năm 2018, 1,35ha/3,7ha diện tích ven suối đã bị sạt lở và cuốn trôi.
Đối với Đề án khoanh nuôi phát triển cây Lồ Ô: tổng số dân 3 xã Thành Sơn, Sơn Lâm, Sơn Hiệp tham gia Đề án là 38 hộ thực hiện trên 232,7 ha, trong đó 08 hộ là khoanh nuôi tái sinh 24,7 ha, 03 hộ khoanh nuôi tái sinh phục hồi 06 ha, giao khoán 27 hộ bảo vệ 202 ha Lồ Ô với tổng kinh phí là 323.760.000 triệu đồng. Diện tích giảm 86 ha tại xã Thành Sơn do người dân không tham gia khoanh nuôi bảo về rừng Lồ Ô.
Tại buổi giám sát, các thành viên đã trao đổi, làm rõ một số tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện Đề án như: việc xét duyệt diện tích đề nghị hỗ trợ chưa được UBND các xã, thị trấn triển khai chặt chẽ, chưa thực hiện việc kiểm tra thực tế diện tích đề nghị hỗ trợ chính sách nên xảy ra tình trạng hộ dân có diện tích đất lâm nghiệp cũng đăng ký thực hiện Đề án nên hộ dân không chuyển đổi mục đích sử dụng đất được vì không đúng quy định; bên cạnh đó, việc không có kinh phí quản lý cũng gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện; ngoài ra, kinh phí hỗ trợ hộ dân chăm sóc cây trồng cũng chỉ được hỗ trợ năm đầu tiên ...
Cũng tại buổi giám sát, Đoàn ghi nhận, đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của UBND huyện trong thực hiện chuyển đổi cây trồng theo Quyết định 661 và 1609 của UBND tỉnh và các Đề án thực hiện khoanh nuôi phát triển cây Lồ Ô, trồng thử nghiệm cây Măng Le; Tuy nhiên, để các Đề án thực hiện có hiệu quả, Đoàn đã đề nghị UBND thực hiện đánh giá sơ kết việc thực hiện Đề án chuyển đổi cây trồng trên địa bàn huyện; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát số diện tích đã được đăng ký chuyển đổi để xác định cụ thể tổng số diện tích thực hiện được và tổng số diện tích không thực hiện được để có hướng giải quyết; chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo để Nhân dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với quy hoạch …nhằm phát triển sản xuất bền vững, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác cho các hộ dân tham gia Đề án. Đối với các Đề án của huyện, Đoàn cũng yêu cầu UBND huyện đánh giá sơ kết việc thực hiện các Đề án, đồng thời, yêu cầu quá trình triển khai Đề án phải bám sát mục tiêu để thực hiện hiệu quả Đề án trong thời gian tới./