10/05/2018 03:35
Lượt xem:
217
Mía tím là một trong những loại cây trồng chủ lực của bà con nông dân trong huyện. Hiện nay, huyện có chủ trương giữ ổn định diện tích canh tác (khoảng 300 ha), đồng thời tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao năng xuất, chất lượng tiến tới xây dựng thương hiệu mía tím Khánh Sơn trên thị trường.
Mấy năm gần đây, nhiều nông hộ đã chuyển đổi một số diện tích lúa nước hoặc cây hằng năm kém hiệu quả sang trồng mía tím. Điển hình như xã Sơn Hiệp, với sự hỗ trợ của tỉnh và huyện, năm 2017 đã chuyển đổi gần 9 ha sang trồng mía tím, hiện tại địa phương này một trong những khu vực trồng nhiều mía tím nhất huyện, với khoảng 65 ha. Ty nhiên, do đưa vào canh tác đã lâu nên nhiều diện tích mía tím tại các xã, thị trấn đã bị thoái hóa, sâu bệnh, giảm sút về năng suất, chất lượng và mẫu mã. Xác định mía tím vẫn là một trong những loại cây trồng chủ lực để phát triển trong những năm tới, huyện đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn hiện tại. Trong đó, tập trung phục tráng lại giống mía để hạn chế sâu bệnh, nâng cao chất lượng. Đồng thời, tuyên truyền vận động bà con trồng đúng thời vụ, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật và chăm sóc để có thể thu hoạch sớm và đạt sản lượng cao. Dự kiến trong vụ mía sắp tới, giống mía tím cấy mô sạch bệnh sẽ được đưa vào sản xuất tại một số xã trên địa bàn huyện. Ngoài ra huyện cũng kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xây dựng thí điểm cánh đồng lớn trồng mía tím tại xã Sơn Hiệp với diện tích khoảng 16 ha, áp dụng các giải pháp kỹ thuật nâng cao giá trị hàng hóa cho cây trồng. Hiện tại, huyện cũng đang xúc tiến việc xây dựng thương hiệu mía tím Khánh Sơn, phấn đấu hoàn thành trong giai đoạn 2018-2019. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng mía, góp phần phát triển sản xuất tại địa phương.
Đinh Luận