Ngày 17/8/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 54/2022/TT-BTC quy định về quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước để thực hiện các Đề án đào tạo, bồi dưỡng tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thể dục thể thao.
Thông tư này quy định về quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước để thực hiện các Đề án đào tạo, bồi dưỡng tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thể dục thể thao, gồm:
a) Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 1341/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là Quyết định số 1341/QĐ-TTg);
b) Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là Quyết định số 1437/QĐ-TTg);
c) Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035” được phê duyệt tại Quyết định số 223/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là Quyết định số 223/QĐ-TTg).
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các Đề án quy định tại khoản 1 Điều này.
Theo đó nguồn ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định về phân cấp ngân sách nhà nước, cụ thể như sau:
a) Chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề để thực hiện các nhiệm vụ
b) Chi sự nghiệp khoa học và công nghệ đế thực hiện các nhiệm vụ quy định tại điểm c khoản 1 Mục VI Điều 1 Quyết định số 223/QĐ-TTg.
Nguồn kinh phí khác gồm:
a) Nguồn thu sự nghiệp của các cơ sở đào tạo thuộc đối tượng tham gia các Đề án quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư này;
b) Nguồn tài trợ, hỗ trợ, huy động hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân ở trong nước và ngoài nước theo quy định.
Mức chi thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030” đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng dài hạn (trên 03 tháng) ở nước ngoài như sau:
Thứ nhất, đối với các chi phí bắt buộc phải trả cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài: Thực hiện thanh toán theo hợp đồng ký kết giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài hoặc theo mức do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài thông báo trong giấy báo tiếp nhận học viên (chi bằng đồng đô la Mỹ hoặc bằng đồng tiền ở nước sở tại).
Thứ hai, sinh hoạt phí, chi phí làm hộ chiếu, visa và bảo hiểm y tế bắt buộc: Theo quy định tại Thông tư 30/2022/TT-BTC ngày 03/6/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030.
Thứ ba, người học được cấp một lượt vé hạng phổ thông từ Việt Nam đến nơi học tập và một lượt vé từ nơi học tập về Việt Nam (trừ trường hợp được phía bạn đài thọ) trong toàn bộ thời gian đào tạo, bồi dưỡng…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/10/2022.