Tăng cường đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong tiếp cận thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016

Đọc tin

Quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản quan trọng của công dân. Bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân là điều kiện cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, làm tăng tính hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước; bảo đảm sự công bằng, dân chủ và tăng cường trách nhiệm của công dân; góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền công dân, quyền con người, tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền dân chủ, nhất là dân chủ trực tiếp; tạo tiền đề thực hiện các quyền tự do dân chủ khác của công dân được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận.

    Để cụ thể hóa quyền tiếp cận thông tin đã được Hiến pháp ghi nhận, tại Điều 8 Luật tiếp cận thông tin quy định công dân có các quyền sau:

  • Được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời.

+ Được cung cấp thông tin đầy đủ có nghĩa là công dân được cung cấp thông tin với nội dung toàn vẹn, không bị cắt xén. Công dân được cung cấp thông tin được chứa đựng dưới hình thức phù hợp để họ có thể tiếp cận thông tin với đầy đủ các nội dung mà thông tin truyền tải. Tuy nhiên, điều này loại trừ trường hợp thông tin có chứa thông tin cần phải giữ bí mật và cơ quan nhà nước phải rà soát, loại bỏ trước khi công khai, cung cấp thông tin.

+ Được cung cấp thông tin chính xác có nghĩa là công dân được cung cấp thông tin với nội dung giống như nội dung sau khi thông tin được tạo ra. Thông tin được cung cấp không đổi về nội dung và trong phần lớn các trường hợp, không thay đổi về hình thức chứa đựng thông tin. Được cung cấp thông tin chính xác cũng bao hàm việc trong trường hợp thông tin đã được công khai hoặc cung cấp bị phát hiện là không chính xác thì công dân có quyền thông báo với cơ quan nhà nước và cơ quan nhà nước có trách nhiệm xử lý để công khai, cung cấp thông tin chính xác cho công dân. Cơ quan nhà nước cững có trách nhiệm bảo đảm tính chính xác của thông tin được công khai, cung cấp, nếu phát hiện thông tin không chính xác thì phải kịp thời xử lý.

+ Được cung cấp thông tin kịp thời có nghĩa là công dân được tiếp cận thông tin sớm nhất khi có thể. Để bảo đảm quyền của công dân, cơ quan nhà nước có trách nhiệm công khai, cung cấp thông tin công dân càng sớm càng tốt trong thời hạn mà pháp luật quy định và phù hợp với điều kiện thực tế về tính chất, hình thức chứa đựng thông tin và điều kiện thực tế của cơ quan. Về nguyên tắc cơ quan nhà nước phải tích cực, nhanh chóng công khai, cung cấp cho người dân, trường hợp thấy cần gia hạn thì phải thông báo.

  • Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin.

Trong quá trình tiếp cận thông tin, công dân có quyền khiếu nại, khiếu kiện đối với quyết định hoặc hành vi của cơ quan nhà nước mà họ cho rằng không thỏa đáng hoặc vi phạm pháp luật. Về cơ bản, quyết định, hành vi vi phạm pháp luật bị khiếu nại, khiếu kiện phải liên quan đến việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân đó. Bên cạnh đó, công dân có quyền tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về thông tin. Hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo có thể là hành vi của cán bộ, công chức của cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin hoặc các chủ thể khác trong xã hội.

Bên cạnh việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của mình, Luật tiếp cận thông tin cũng yêu cầu công dân phải có nghĩa vụ đối với nhà nước và xã hội trong việc tiếp cận thông tin:

  • Tuân thủ quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin.

Tiếp cận thông tin bao gồm hai khía cạnh: tự do tiếp cận các thông tin do cơ quan nhà nước chủ động công khai và yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin theo yêu cầu. Tuân thủ quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin bên cạnh việc chấp hành đúng các quy định pháp luật về phạm vi thông tin được tiếp cận, trình tự, thủ tục tiếp cận thông tin, còn bao hàm việc công dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm khi thực hiện việc tiếp cận thông tin, không thực hiện các hành vi gây cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước như tấn công làm hỏng hệ thống cung cấp thông tin công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước hay đưa ra những yêu cầu cung cấp thông tin không thiết thực, không thỏa đáng với mục đích gây nhiễu hoạt động của cơ quan nhà nước.

  • Không làm sai lệch nội dung thông tin đã được cung cấp.

Sau khi có được thông tin thông qua thực hiện quyền tiếp cận thông tin, công dân phải tôn trọng nội dung thông tin, không thực hiện bất cứ hành vi nào tác động đến nội dung thông tin nhằm dẫn đến cách hiểu khác về thông tin. Trong trường hợp pháp luật cho phép việc chia sẻ, truyền đạt lại thông tin đã được cung cấp, công dân có trách nhiệm truyền đạt lại chính xác nội dung thông tin, nếu có bổ sung thêm cách hiểu riêng của mình khi truyền đạt lại thông tin thì phải lưu ý đối với người được chia sẻ, truyền đạt thông tin đó là quan điểm, ý kiến và cách hiểu riêng của mình mà không phải là nội dung thông tin.

  • Không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác khi thực hiện quyền tiếp cận thông tin.      

           Quyền tiếp cận thông tin của công dân được bảo đảm thực hiện với điều kiện việc thực hiện quyền đó không được xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của người khác được nhà nước và pháp luật bảo hộ. Do vậy, khi thực hiện quyền tiếp cận thông tin công dân phải chủ động trong việc tự nhận biết và tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Chẳng hạn, sau khi được cung cấp thông tin có liên quan đến bí mật cá nhân của một người cụ thể nào đó thì không được phát tán, chia sẻ lại thông tin đó cho người khác.

            Thực hiện quy định của Luật Tiếp cận thông tin, tại Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định cụ thể về các biện pháp đảm bảo thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân:

             - Việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin cho các đối tượng sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp sau:

+ Thông qua Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước (nếu có);

+ Thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình trung ương, địa phương và các hệ thống truyền phát tin khác của địa phương; các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc và các phương tiện thông tin đại chúng khác tại địa phương;

 + Xây dựng tài liệu chuyên đề, tờ rơi, ấn phẩm; trong trường hợp cần thiết và khả thi thì có thể được chuyển tải bằng ngôn ngữ dân tộc;

+ Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt cộng đồng để chia sẻ thông tin cho công dân; chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động cung cấp thông tin cho các khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

+ Lồng ghép hoạt động cung cấp thông tin trong các sự kiện văn hóa - chính trị của cơ quan, địa phương, trong kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông các chính sách mới của các cơ quan nhà nước trên địa bàn;

 + Tăng thời lượng truyền, phát bản tin đối với loại thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách của người dân sinh sống tại khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

 - Căn cứ vào loại thông tin, đối tượng cần cung cấp thông tin, cơ quan nhà nước trên địa bàn quyết định lựa chọn một hoặc các hình thức cung cấp thông tin công khai rộng rãi hoặc các hình thức khác phù hợp với khả năng tiếp cận thông tin của công dân.

 - Cơ quan cung cấp thông tin phải bảo đảm các hình thức cung cấp thông tin theo yêu cầu phù hợp với khả năng tiếp cận của người yêu cầu cung cấp thông tin và điều kiện thực tế của cơ quan; bố trí cán bộ, công chức hướng dẫn, giải thích cho người yêu cầu cung cấp thông tin; tăng cường cung cấp thông tin và tạo thuận lợi cho công dân tiếp cận thông tin bằng hình ảnh, video và các phương tiện nghe, nhìn khác.

- Cơ quan nhà nước tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào việc xây dựng hệ thống thông tin công cộng; nâng cấp, đầu tư các trang thiết bị chuyên dùng phục vụ cho hoạt động cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật liên quan.

- Tăng cường thực hện các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận thông tin 

+ Thông tin liên quan trực tiếp tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật phải được kịp thời công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng dưới các hình thức cung cấp thông tin thuận lợi cho người khuyết tật.

+ Căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ quan nhà nước thiết lập Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của cơ quan mình trong đó có cung cấp chức năng cơ bản để hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho việc tiếp cận thông tin đăng tải trên các Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử.

+ Cơ quan cung cấp thông tin bảo đảm các hình thức cung cấp thông tin phù hợp với khả năng tiếp cận của người yêu cầu cung cấp thông tin và điều kiện thực tế của cơ quan; bố trí thiết bị nghe, nhìn và các thiết bị phụ trợ phù hợp với dạng và mức độ khuyết tật của người yêu cầu cung cấp thông tin và phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ quan mình; tạo điều kiện cho người yêu cầu cung cấp thông tin sử dụng các thiết bị nghe, nhìn, các thiết bị phụ trợ và các phương tiện kỹ thuật khác của cá nhân để tiếp cận thông tin theo yêu cầu.

+ Cơ quan cung cấp thông tin bố trí cán bộ, công chức hướng dẫn, giải thích và giúp đỡ người khuyết tật gặp khó khăn trong việc điền Phiếu, ký Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin hoặc khó khăn trong việc tiếp cận thông tin.

+ Lồng ghép các kiến thức, kinh nghiệm cung cấp thông tin đối với người khuyết tật trong các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn cho bộ phận đầu mối và cán bộ, công chức đầu mối cung cấp thông tin của cơ quan.

+ Ưu tiên cung cấp thông tin cho người khuyết tật theo quy định pháp luật về tiếp cận thông tin và pháp luật về người khuyết tật.

Đảm bảo các điều kiện cần thiết trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân nhằm bảo đảm một người dân bình thường có thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin của mình. Thực hiện quy định pháp luật về tiếp cận thông tin là từng bước phát huy dân chủ, tạo điều kiện thúc đẩy và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần bảo đảm bình đẳng, công bằng trong xã hội, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thông tin của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước. Góp phần hiệu quả vào công tác phòng, chống tham nhũng; tăng tính minh bạch của thị trường, nâng cao tri thức và sự tham gia của công dân vào hoạt động quản lý nhà nước, góp phần đưa chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” từng bước đi vào cuộc sống./.

 
Đầu trang
 
Trở về
 
In bài viết
Tin liên quan
Khánh Sơn: hoạt động nhân đạo, từ thiện 6 tháng đầu năm 2022
QUY CHẾ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH, TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ QUẢN LÝ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
Quyết định Ban hành Quy định quản lý, thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030
Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Khánh Hoà giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030, đã có cơ chế quản lý, thực hiện Chương trình
Ngày sở hữu trí tuệ thế giới (26/4/2022): “Sở hữu trí tuệ và Thế hệ trẻ: Đổi mới sáng tạo vì một tương lai tốt đẹp hơn”
KẾ HOẠCH thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường cạnh tranh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 trên địa bàn huyện Khánh Sơn
Chỉ thị về việc tăng cường công tác xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn huyện Khánh Sơn
Phổ biến các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua và triển khai một số nhiệm vụ PBGDPL năm 2022
CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THANH NIÊN GIAI ĐOẠN 2021 - 2030
Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025
Chỉ thị Về việc phát động phong trào “Thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội huyện Khánh Sơn năm 2022 và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”
Sửa đổi, bổ sung một số quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
KẾ HOẠCH Tổ chức tuyên truyền Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS năm 2022
Triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021 trên địa bàn huyện Khánh Sơn
Danh mục
Chỉ đạo, điều hành
Thông tin tuyên truyền
Dự án, hạng mục đầu tư
THỐNG KÊ, BÁO CÁO
Dịch vụ công trực tuyến
Tin tức - Sự kiện
Thông tin hoạt động
Văn bản mới Chuyển đổi số
KỲ HỌP HĐND HUYỆN KHÁNH SƠN
VĂN BẢN QPPL
Tiếp cận thông tin
Tuyển dụng
Thông tin trợ giúp DN NVV
THÔNG TIN CÔNG KHAI
Cải cách hành chính
Góp ý dự thảo
MỘT CỬA, MỘT CỬA LIÊN THÔNG
Lịch tiếp công dân PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT QUY HOẠCH Tài liệu Tiếp xúc cử tri Thông báo
Chương trình, đề tài NCKH
Công khai ngân sách
Video
Album
Bản đồ
Bản đồ hành chính
Học tập tư tưởng đạo đức HCM
Cải cách hành chính
SK-CCHC
Xuc tien dau tư
CCHC