Cây lồ ô đã gắn bó với đời sống, sản xuất của đồng bào Raglai từ nhiều đời nay. Trước đây bà con sử dụng lồ ô để làm ra những vật dụng phục vụ đời sống, sản xuất, làm các nhạc cụ như đàn tra pi… Tuy nhiên những năm gần đây do khai thác quá mức và người dân xâm lấn rừng để làm nương rẫy, phát triển sản xuất lâm nghiệp, diện tích và trữ lượng lồ ô trên địa bàn huyện đã giảm rất nhiều. Trước thực trạng trên, vừa qua, HĐND huyện khóa VIII đã thông qua “Đề án khoanh nuôi và phát triển cây lồ ô giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn huyện Khánh Sơn”, nhằm khôi phục diện tích lồ ô và tăng độ che phủ rừng trên địa bàn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Người dân đang tiến hành phát dọn để giúp cây Lồ Ô phát triển tốt
Những năm trước, cây lồ ô được khai thác để bán cho các cơ sở đan lát, làm đũa, làm nhang... mang lại thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Ước tính với trữ lượng khai thác trung bình 1.800-2.000 cây/ năm thì 1 ha lồ ô có thể cho thu nhập 10-15 triệu đồng một năm. Ông Mấu Hồng Thái (thôn Hòn Dung, xã Sơn Hiệp) là người đã gắn bó với nghề đan lát thủ công mỹ nghệ từ mấy chục năm nay. Những sản phẩm ông làm ra như: gùi, rổ, rá…đều có nguyên liệu là cây lồ ô. Trước đây, lồ ô còn nhiều, ông tự lên rừng lấy nguyên liệu về đan lát, nhưng nay diện tích lồ ô ở gần nhà không còn, cộng với tuổi già sức yếu nên ông phải mua lại nguyên liệu của người khác về để duy trì nghề truyền thống của dân tộc.
Những năm qua, do khai thác quá mức, không hợp lý đã làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng, sản lượng rừng lồ ô trên địa bàn huyện. Ngoài ra, do người dân phát dọn để làm nương rẫy, cũng là nguyên nhân dẫn đến diện tích rừng lồ ô bị thu hẹp. Hệ lụy kéo theo là làm cạn kiệt tài nguyên rừng, giảm khả năng bảo vệ đất khu vực đầu nguồn, tăng nguy cơ mất đi loại cây bản địa có giá trị về kinh tế-xã hội và môi trường. Theo lãnh đạo UBND xã Thành Sơn, do người dân phát dọn để trồng keo và các loại cây ăn quả nên hiện nay, cây lô ô còn không đáng kể và mọc rải rác ở một số khu vực rừng tự nhiên. Trước đây, việc khai thác lồ ô đã mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng nay diện tích lồ ô giảm mạnh đã ảnh hưởng đến thu nhập của bà con. Nghề đan lát truyền thống của địa phương cũng gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào.
Trước thực trạng trên, tại kỳ hợp vừa qua, HĐND huyện khóa VIII đã thông qua Nghị quyết về Đề án khoanh nuôi và phát triển cây lồ ô giai đoạn 2017-2020. Nhằm phục hồi và phát triển cây lô ô-loại cây bản địa của Khánh Sơn. Căn cứ tình hình thực tế hiện nay trên địa bàn huyện còn khoảng 31,7 ha rừng lồ ô có thể khoanh nuôi và trồng bổ sung làm rừng sản xuất, 287 ha lồ ô có thể khoanh nuôi phục hồi, tái sinh làm rừng phòng hộ, những diện tích này đều thuộc địa phận các xã: Thành Sơn, Sơn Lâm, Sơn Hiệp. Do đó, đề án sẽ được triển khai thực hiện tại 3 địa phương này trong thời gian 4 năm (2017-2020). Đối tượng được hỗ trợ khi tham gia thực hiện đề án là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ người kinh nghèo. Đối với diện tích đất rừng sản xuất trồng bổ sung, bà con được hỗ trợ 5,6 triệu đồng/ha/4 năm; diện tích khoanh nuôi tái sinh (không trồng bổ sung) được hỗ trợ 30.000 đồng/ năm. Những diện tích khoanh nuôi tái sinh làm rùng phòng hộ được giao khoán 400.000 đồng/ ha/ năm. Ngoài ra, người dân còn được hưởng lợi từ việc khai thác cây lồ ô đến kỳ khai thác theo quy trình (4-5 tuổi). Theo lộ trình thực hiện, trong năm 2017 các xã sẽ tiến hành giao khoán toàn bộ diện tích rừng lồ ô nói trên cho hộ gia đình bảo vệ, trồng và chăm sóc. Năm 2018-2020, chi trả kinh phí thực hiện giao khoán quản lý và bảo vệ cho người dân.
Xã Sơn Hiệp là một trong những địa phương sẽ tiến hành giao khoán diện tích rừng lô ô để bà con khoanh nuôi, trồng bổ sung, tái sinh làm rừng sản xuất, với diện tích 18 ha. Theo lãnh đạo UBND xã, hiện tại xã đã tiến hành đo đạc diện tích lô ô ở những khu vực Dốc 2 cô, thác Tà Gụ. Hầu hết người dân địa phương đều rất ủng hộ đề án và mong muốn nhận khoán rừng lô ô để hưởng lợi về kinh tế cũng như tái tạo nguồn tài nguyên rừng trên địa bàn xã.
Việc khôi phục, phát triển rừng lồ ô sẽ giúp nâng cao độ che phủ rừng tại Sơn Hiệp, Sơn Lâm và Thành Sơn, giúp nâng cao tác dụng phòng hộ, cải thiện môi trường sinh thái, điều tiết nguồn nước. Đề án này còn góp phần xóa đói giảm nghèo cho những lao động tham gia sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn. Đồng thời đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào cho nghề đan lát thủ công mỹ nghệ, góp phần khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương, phục vụ phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho bà con. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới tại các xã./.
Đinh Luận
Đài TT-TH Khánh Sơn