Tuy không phải là khu vực tâm điểm và không có thiệt hại về người, nhưng cơn bão số 12 cũng đã làm thiệt hại hàng nghìn ha cây trồng tại các xã, thị trấn, hàng trăm căn nhà hư hỏng, đổ sập.
Nhặt nhạnh những thứ còn sót lại trong căn nhà đã bị tốc mái, hư hỏng nặng do cơn bão số 12, anh Cao Hoàng Quốc (thôn Suối Đá, xã Ba Cụm Bắc) không khỏi lo lắng cho cuộc sống của cả gia đình 4 nhân khẩu trong những ngày sắp tới. Thuộc diện hộ nghèo, bản thân anh bị thương tật do lao động, không thể làm được việc nặng nên việc khôi phục lại căn nhà nằm ngoài khả năng của gia đình. “Bây giờ gia đình tôi vẫn đang phải ở nhờ nhà bên cạnh. Toàn bộ diện tích keo, chuối của tôi cũng bị thiệt hại. Do đó hiện tại gia đình tôi đang rất khó khăn, mong nhận được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành”, anh Quốc bộc bạch.
Đứng thất thần trước vườn sầu riêng bị đổ rạp, bật tung gốc, ông Lê Đăng Thung (thôn Dốc Gạo, thị trấn Tô Hạp) không thể tin được những cây sầu riêng đã giúp gia đình ông thoát nghèo, vươn lên làm giàu trong mười mấy năm qua, nay chỉ sau một buổi sáng đã bị thiệt hại hoàn toàn. Trong cơn bão số 12 vừa qua, gia đình ông cơ gần 200 cây sầu riêng đang trong thời kỳ kinh doanh bị đổ gẫy, trong đó có 150 cây từ 15 năm tuổi trở lên. Không thể khôi phục được, gia đình ông đành chặt bỏ. “Gia đình tôi gây dựng cơ ngơi trong suốt 20 năm qua. Vậy mà chỉ qua 2 tiếng đồng hồ mưa bão, cả vườn sầu riêng đã đổ gãy hết. Nếu tính thiệt hại kinh tế phải lên đến vài tỷ đồng. Bây giờ chúng tôi cũng không biết làm sao để khôi phục lại được nữa”, ông Thung lo lắng.
Theo thống kê sơ bộ, đến ngày 6/11, huyện Khánh Sơn đã có 139 căn nhà bị tốc mái, 17 căn bị đổ sập. Tập trung ở các xã như: Ba Cụm Bắc, Sơn Bình, thị trấn Tô Hạp… Bên cạnh đó, trên tuyến tỉnh lộ 9, các tuyến đường liên xã, liên thôn cũng đã có nhiều cây cối bị đổ, ngã, gây cản trở giao thông. Về sản xuất, toàn huyện có khoảng 1.083 ha cây trồng bị thiệt hại, trong đó, nhiều nhất là diện tích rừng sản xuất (hơn 470 ha), chuối hơn 300 ha, 129 ha sầu riêng… Tổn thất nặng nề nhất là những hộ trồng sầu riêng, bởi phần lớn diện tích bị đổ gãy là những cây từ 7-8 năm đến trên 15 năm, đang trong thời kỳ cho thu nhập cao.
“Ngay sau khi cơn bão đi qua, chúng tôi cũng đã huy động lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả. Đến nay, những hộ có nhà và bếp bị hư hỏng nhẹ đã được khắc phục. Các tuyến đường giao thông có cây bị đổ gãy đã được dọn dẹp. Nguồn nước sinh hoạt đã cung cấp đầy đủ cho bà con. Tuy nhiên một số hộ có nhà bị hư hỏng nặng đang rất cần sự hỗ trợ của cấp trên”, ông Lê Ánh Sáng, Chủ tịch UBND xã Thành Sơn cho biết.
Công việc khắc phục hậu quả sau bão tại các xã, thị trấn hiện tại gặp không ít khó khăn. Hầu hết những gia đình bị thiệt hại về nhà cửa đều thuộc diện hộ nghèo nên khó có khả năng tự khắc phục, một số hộ gia đình có nguy cơ thiếu đói. Ông Đinh Ngọc Bình, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, với quyết tâm không để hộ dân nào bị thiếu lương thực, nước uống, sớm ổn định nơi ở, sáng ngày 6/11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tại và tìm kiếm cứu nạn huyện đã tổ chức họp bàn và triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả cơn bão số 12. Huyện đã chỉ đạo các xã nhanh chóng tập trung thực hiện một số việc trước mắt, đó là: thống kê cụ thể những hộ bị thiệt hại về nhà cửa, có nguy cơ thiếu lương thực, nước uống để trinh cấp có thẩm quyền hỗ trợ. Huyện sẽ đối ứng ngân sách để hỗ trợ những gia đình có nhà bị sập tối đa 20 triệu đồng/ nhà, nhà bị tốc mái tối đa 6 triệu đồng.
Người dân chặt bỏ những cây sầu riêng 15 năm tuổi bị đổ gãy
Lực lượng dân quân tự vệ thị trấn Tô Hạp giúp người dân dựng cây sầu riêng bị đổ.
Ngành chức năng của huyện khắc phục cây đổ ngay sau cơn bão.
Đinh Luận
Đài TT-TH Khánh Sơn