Huyện Khánh Sơn là huyện miền núi, phát triển nông nghiệp vẫn luôn là định hướng phát triển kinh tế chủ đạo của huyện; Với điều kiện đất đai, thổ nhưởng phù hợp, trong những năm gần đây với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện đã định hướng tập trung phát triển cây ăn trái; quy mô, diện tích ngày càng được mở rộng; với mong muốn hình thành, phát triển vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, chất lượng cao, đồng thời tạo môi trường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện Khánh Sơn đã có 5 Hợp tác xã nông nghiệp (HTX) được thành lập và đi vào hoạt động, cụ thể như: HTX nông nghiệp Sơn Hiệp, HTX Điền Thanh, HTX nông nghiệp xanh Thành Sơn, HTX cây ăn quả Sơn Bình và HTX Thương mại dịch vụ và sản xuất HD Nuture; tổng số vốn điều lệ của 5 HTX đạt trên là 9 tỷ đồng với 43 thành viên tham gia thường xuyên; doanh thu bình quân của các HTX đạt khoảng 100 triệu đồng/HTX/năm.
Trong thời gian qua, các HTX đã góp phần trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế hộ thành viên, gắn kết các mô hình sản xuất nhỏ, hộ gia đình trên địa bàn; tạo mới nhiều việc làm, nhất là các thời điểm mùa vụ, tăng thu nhập cho người dân địa phương; các hộ thành viên HTX cũng được hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc cây cây trồng, năng suất cây trồng cao, đồng thời, bảo đảm giá cả đầu ra ổn định từ đó tăng thu nhập cho các hộ thành viên.
Tuy nhiên, hiện nay, các HTX trên địa bàn huyện đều mới thành lập, hoặc mới đi vào hoạt động nên còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất và kinh doanh, cụ thể như: các HTX còn ít kinh nghiệm, chưa năng động trong hoạt động kinh doanh dịch vụ mà chủ yếu dịch vụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, chưa có sự đột phá thay đổi lớn trong các lĩnh vực kinh doanh, sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm; chưa phát huy và mở mang thêm ngành, nghề truyền thống của địa phương mình. Vấn đề đầu tư ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, máy móc cơ khí sản xuất còn hạn chế; Số lượng bà con được tiếp cận và hiểu về hình thức kinh tế tập thể, hợp tác xã còn hạn chế dẫn đến việc còn e ngại trong việc hợp tác; cơ sở, hạ tầng kho bãi, công nghệ dây chuyền bảo quản chưa được đầu tư xây dựng; bên cạnh đó, tình hình dịch covid -19 diễn ra phức tạp, kéo dài đã tác động không nhỏ đến hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh của các HTX trên địa bàn huyện trong thời điểm hiện tại và những năm tiếp theo.
Để duy trì hoạt động và tiếp tục phát triển các HTX trên địa bàn huyện trong thời gian tới, bên cạnh, sự chủ động của huyện trong việc định hướng, tạo các điều kiện để các HTX phát triển thì UBND huyện cũng đã kiến nghị với UBND tỉnh Khánh Hòa và các Sở, ngành liên quan một số nội dung để nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, kinh doanh của các HTX trên địa bàn huyện trong thời gian tới như: tiếp tục tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp tuyến đường huyết mạch Tỉnh lộ 9 nhằm đảm bảo cho việc vận chuyển nông sản, hàng hóa của nông dân được thuận lợi; tăng cường tổ chức nhiều cuộc hội nghị, triển lãm giới thiệu các mô hình sản xuất về hợp tác xã hơn để bà con nông dân trên địa bàn huyên có cơ hội tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm, năng lực quản lý, kinh doanh; hỗ trợ về kinh phí để cho các HTX đầu tư cơ sở vật chất, vay vốn đầu tư. Tiếp tục hỗ trợ UBND huyện trong công tác xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm nông sản, kết nối các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản với các cơ sở tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường, góp phần thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện./.