Nhờ thuận lợi về thời tiết và khí hậu thổ nhưỡng, Khánh Sơn rất phù hợp để phát triển các loại cây ăn trái như: sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, quýt, chôm chôm, chuối, đến nay trên địa bàn huyện đã trồng được 3.150ha cây ăn quả các loại và trong những năm gần đây Khánh Sơn thực hiện đề án chuyển đổi cây trồng năng suất thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, nhất là giai đoạn 2016-2020, toàn huyện đã chuyển đổi được 905 ha cây ăn quả, trong đó sầu riêng có 173ha; bưởi 343ha; quýt 38ha; chôm chôm 70ha; chuối 780ha… nhờ đó giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Theo lịch thời vụ, mùa sầu riêng Khánh Sơn bắt đầu thu hoạch vào khoảng tháng 7 hàng năm và kết thúc vào cuối tháng 8. Tức là sầu riêng Khánh Sơn thu hoạch muộn hơn sầu riêng miền Tây, Đông Nam bộ tầm 1-2 tháng và sớm hơn Tây Nguyên 1 tháng. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 1.700ha sầu riêng, trong đó 780ha đang trong thời kỳ kinh doanh, với nhiều loại sầu riêng khác nhau, như: Chín Hóa, Ri6, Monthoong,… trong đó có khoảng 254ha của 2 hợp tác xã, 8 tổ hợp tác trồng cây ăn quả được công nhận đạt chuẩn VietGap. Dự kiến, tổng sản lượng sầu riêng niên vụ năm 2021 đạt khoảng 6.240 tấn, tăng hơn 30% so cùng kỳ.
Ông Đỗ Nhi Huy-Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn cho biết: “Sản lượng sầu riêng năm nay đạt cao hơn so với mọi năm, 1ha sầu riêng đạt năng suất bình quân khoảng 10 tấn, tăng từ 1,5-2 tấn/ha so với niên vụ năm 2020”
Qua tìm hiểu của phóng viên, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc thu mua sầu riêng ở Khánh Sơn giảm hơn so với những năm trước đây, hoạt động giao thương, thu mua nông sản có phần hạn chế, việc tiêu thụ nông sản có phần sụt giảm, nên giá cả cũng giảm theo. Hiện tại giá sầu riêng thu mua tại vườn dao động từ 30.000-40.000 đồng/kg, giảm trên 10% so với niên vụ trước, nhưng người nông dân trồng sầu riêng vẫn có lãi. Đến thăm vườn sầu riêng nhà ông Nguyễn Đức Quân ở thôn Tà Nĩa xã Sơn Trung với 4ha sầu riêng, trong đó chỉ có 100 cây sầu riêng kinh doanh, năm trước gia đình ông thu được 8 tấn, giá bán 45.000 đồng/kg, nhưng năm nay tuy giá có giảm hơn là 32.000đ/kg, bù lại sản lượng tăng cao đạt hơn 10 tấn, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Ngược lên những cánh đồng phí tây của huyện như Sơn Bình, Sơn Lâm, đây là những địa phương được mệnh danh là thủ phủ sầu riêng. Đến thăm vườn sầu riêng của ông Bùi Tấn Hải ở thôn Cam Khánh xã Sơn Lâm, ông Hải chia sẻ: “ Hiện vườn nhà có 380 cây sầu riêng đang cho thu hoạch, tương đương khoảng 2ha, sản lượng năm nay ước đạt 40 tấn, cao nhất từ trước đến nay”.
Để tiêu thụ toàn bộ sản lượng trái cây trong đợt cao điểm, lại đảm bảo an toàn trong công tác chống dịch. Ngay từ đầu mùa vụ, huyện Khánh Sơn đã chủ động phương án, đề ra các biện pháp, kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ giúp nông dân tiêu thụ sầu riêng trong vụ mùa năm nay, từ khâu chuẩn bị dụng cụ test nhanh các thương lái, nhân công thu hoạch; ban hành công văn hướng dẫn các xã-thị trấn tổ chức nhiều điểm tập kết nông sản trong việc lưu thông hàng hóa…. Đồng thời, cấp nhận diện luồng xanh cho xe vận chuyển nông sản, phối hợp với Sở Công thương Khánh Hòa đưa nông sản vào tiêu thụ tại các siêu thị trên toàn quốc…Nhờ đó, đến nay trên 80% sản lượng sầu riêng của bà con nông dân Khánh Sơn cơ bản đã được tiêu thụ. Việc thu mua vận chuyển nông sản của các hộ dân được diễn ra thuận lợi và nhanh chóng. Nông sản được vận chuyển đến điểm tập kết, sau đó các xe tải đến vận chuyển đi các nơi tiêu thụ và thời gian lưu lại trên địa bàn không quá 24 giờ. Nhờ việc tạo "luồng xanh" trong vận tải hàng hóa. Các phương tiện vận chuyển sau khi hoàn tất các thủ tục, yêu cầu cần thiết về phòng, chống dịch Covid-19 đã lưu thông bình thường trên các tuyến đường của huyện để kịp thời vận chuyển trái cây ngay sau thu hoạch.
“Mặc dù việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện cơ bản đã được đáp ứng, giải quyết đầu ra kịp thời cho nông dân, địa phương vẫn tiếp tục đảm bảo tốt mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch vừa tiêu thụ nông sản, không chủ quan, lơ là, nâng cao cảnh giác trong phòng, chống dịch, giữ vững 2 chốt kiểm soát ở hai cửa ngõ của huyện; bám sát tình hình diễn biến dịch Covid-19; áp dụng các biện pháp chủ động ngăn ngừa và phòng, chống dịch phù hợp, linh hoạt tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống, sản xuất và tiêu thụ nông sản, giữ vững “vùng xanh” an toàn trong đại dịch Covid-19 trên tinh thần chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy- Nguyễn Hải Ninh tại buổi làm việc với Huyện ủy, HĐND, UBND huyện nói”.
Mỹ Lệ